Tiếng Việt

Ẩn dụ là gì? Có mấy kiểu ẩn dụ? Lấy ví dụ minh họa

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong văn học Việt, từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Ẩn dụ là gì? Chúng ta có thể sử dụng ẩn dụ trong câu như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!

Contents

Khái niệm ẩn dụ

Cách chúng ta gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau được gọi là ẩn dụ. Ẩn dụ (Metaphor) là phương thức chuyển nghĩa của từ dựa trên sự so sánh ngầm giữa các sự vật sự việc.

Ẩn dụ mượn hình ảnh của sự vật, sự việc này để gợi nhắc đến sự vật sự việc khác tạo lên tính sâu sắc, rộng mở của câu văn. Từ đó làm cho câu văn giàu tính gợi hình, gợi cảm, được mở rộng hơn.

VD: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

“Viếng lăng bác” – Viễn Phương

Nhà thơ Viễn Phương đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, ngầm so sánh mặt trời với Bác. Nếu mặt trời tự nhiên mang đến ánh sáng, cung cấp năng lượng cho sự sống thì Bác là người mang ánh sáng tự do, độc lập cho dân tộc.

=> Nhờ phép ẩn dụ, câu thơ trở nên giàu hình ảnh, gợi sự liên tưởng và khẳng định được sự vĩ đại và bất tử của Bác, niềm tôn kính của tác giả đối với vị lãnh tụ của dân tộc.

Vai trò của ẩn dụ

Ẩn dụ được sử dụng trong câu nhằm:

  • Tăng khả năng biểu cảm cho câu

Qua biện pháp tu từ ẩn dụ, tác giả/ người nói bộc lộ thái độ, cảm xúc, tình cảm sâu sắc một cách kín đáo và tế nhị. Ẩn dụ tăng tính biểu đạt, tạo nên sự kết nối, hòa nhịp giữa người đọc/ người nghe với người nói/ người viết.

Những hình ảnh tươi đẹp được dùng làm hình ảnh ẩn dụ cho thái đội ca ngợi, tình cảm yêu mến của tác giả. Ngược lại những hình ảnh mang tính xấu xa, thấp hèn sẽ bày tỏ được sự phẫn nộ, căm ghét hay phê phán của người viết.

  •  Câu văn giàu hình ảnh

Biện pháp tu từ ẩn dụ góp phần tạo nên những hình ảnh nghệ thuật bóng bẩy, giàu sức gợi, tăng vẻ đẹp của ngôn từ. Đồng thời, ẩn dụ còn giúp mở rộng nghĩa, khơi gợi sự liên tưởng và cảm nhận của người đọc, người nghe

  • Thể hiện sự nhận thức 

Sử dụng ẩn dụ khéo léo trong câu không dễ. Nó đòi hỏi người sử dụng có nhận thức, cái nhìn toàn diện về các sự vật, hiện tượng và đánh giá được mối quan hệ giữa chúng. Câu văn, cách nói có những hình ảnh ẩn dụ tinh tế thể hiện tài năng và sự khéo léo của người sử dụng.

Ông cha ta thường mượn những hình ảnh mộc mạc, quen thuộc của làng quê để tái hiện lại những con người lao động hiền lành, chân chất hay để giãi bày, gửi gắm tâm tư, tình cảm thầm kín trong lòng.

Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác, xuống ghềnh bấy nay

Hình ảnh “thân cò” là hình ảnh ẩn dụ cho người dân lao động lam lũ, vất vả sớm hôm. Đó là chân dung của những con người cần cù, chăm chỉ, chất phác và kiên cường trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống áp bức.

Các kiểu ẩn dụ trong thơ văn, ca dao

Trong thơ văn, ca dao, ẩn dụ được sử dụng với 4 hình thức như sau:

  • Ẩn dụ hình thức
  • Ẩn dụ cách thức
  • Ẩn dụ phẩm chất
  • Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Ẩn dụ hình thức

Ẩn dụ hình thức là cách mà người nói, người viết dựa vào những điểm tương đồng về hình thức giữa các sự vật sự việc để tạo hình ảnh ẩn dụ. Một phần ý nghĩa sẽ được người viết/ người nói ẩn đi.

VD:  

Dưới trăng quyên đã gọi hè 

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

Nguyễn Du

Quả lựu chín đỏ rực như màu của lửa nên Nguyễn Du đã sử dụng ẩn dụ hình thức lửa lựu miêu tả hoa lựu nở đỏ như những đốm lửa. Qua phép tu từ ẩn dụ, chỉ với hai câu thơ, Đại thi hào đã vẽ lên một bức tranh chớm hè thật thơ mộng, đầy màu sắc.

Ẩn dụ cách thức

Xây dựng hình ảnh ẩn dụ cách thức bằng cách dựa trên sự tương đồng về cách thức diễn ra sự vật sự việc để diễn đạt hàm ý một vấn đề nào đó.

VD: Ăn cháo đá bát.

=> Mượn hình ảnh Ăn cháo đá bát để chỉ hành động vong ân bội nghĩa của con người.

Ẩn dụ phẩm chất

Ẩn dụ phẩm chất dựa trên sự tương đồng về chất, về đặc tính giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.

VD: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Hình ảnh mực ẩn dụ cho những con người xấu xa, những cái xấu trong cuộc sống. Ngược lại đèn lại tượng trưng cho những điều tốt đẹp, những người tốt, người giỏi.

Qua hình ảnh mực và đèn, ông cha ta muốn khẳng định rằng môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của con người.

Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

Đây là hình thức ẩn dụ tu từ, các đặc điểm của sự vật hiện tượng được nhận biết bằng một giác quan nhưng lại được miêu tả bằng các giác quan khác.

VD: 

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

Đêm Côn Sơn – Trần Đăng Khoa

Tiếng rơi của chiếc lá vốn được cảm nhận bằng thính giác. Nhưng Trần Đăng Khoa đã linh hoạt chuyển đổi từ thính giác sang thị giác. Qua biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đó, câu thơ trở nên sống động hơn, khiến người đọc như được chạm tay, nhìn thấy và hình dung được hình ảnh chiếc lá rơi khẽ khàng bên thềm.

Ẩn dụ vẫn luôn là một phép tu từ, một nghệ thuật trong việc sử dụng ngôn từ. Bài viết trên đã tổng hợp tất cả các kiến thức cần thiết và các ví dụ minh họa dễ hiểu cho biện pháp ẩn dụ. Qua bài viết hy vọng bạn đã có thêm kiến thức bổ ích, biết cách vận dụng, xây dựng các hình ảnh ẩn dụ trong bài viết của mình.

Related Articles

Back to top button