Biện pháp tu từ là gì? Các biện pháp tu từ thường gặp nhất, ví dụ minh họa

Trong văn học không thể thiếu các biện pháp tu từ. Vậy, biện pháp tu từ là gì? Chức năng của biện pháp tu từ trong Tiếng Việt? Cùng khám phá ngay các biện pháp tu từ thường gặp nhất để hiểu một cách rõ ràng và chính xác nhất.
Contents
Tổng quát về biện pháp tu từ
Biện pháp tu từ được hiểu là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt nhằm tăng tính gợi cảm, gợi hình, tăng tính diễn đạt cho câu thơ, câu văn. Từ đó, tạo nên tính nghệ thuật, tạo ấn tượng và truyền đạt cảm xúc cho người đọc, người nghe.
Các biện pháp tu từ thường gặp
Ẩn dụ
Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau. Sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ giúp tăng tính gợi hình gợi cảm, làm cho câu văn thêm sâu sắc, hàm súc.
Trong văn học, có 4 hình thức ẩn dụ:
- Ẩn dụ hình thức:
VD:
Về thăm lăng bác làng sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Tác giả dùng hình ảnh ẩn dụ “thắp” – “lửa hồng”, chỉ hình ảnh hoa râm bụt nở đỏ rực như ngọn lửa bùng cháy. Câu thơ toát lên vẻ đẹp rực rỡ, căng tràn sức sống của hàng râm bụt quê Bác.
- Ẩn dụ cách thức:
VD:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ông cha đã khéo léo sử dụng hình ảnh “người ăn quả” và “kẻ trồng cây” để chỉ người hưởng thành quả và người tạo ra thành quả. Câu tục ngữ là lời nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, trân trọng, nhớ đến công lao của người làm ra, tạo ra thành quả, những người có ơn với mình.
- Ẩn dụ phẩm chất:
VD: Thanh vì cách nói cha mẹ đã già, đã cao tuổi thì chúng ta có thể khéo léo sử dụng hình ảnh ẩn dụ “tóc bạc”, “lưng còng” để miêu tả, tăng tính tượng hình, sinh động
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:
VD: Ông bà hay nói “Trời nắng giòn tan”. Nắng đang ra nên được cảm nhận bằng thị giác nhưng ở câu tả trên, nắng lại được cảm nhận bằng vị giác “giòn tàn”. Qua hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, câu nói chỉ cái nắng rất lớn, rất to, có thể làm khô héo mọi vật.
Hoán dụ
Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên khái niệm, sự vật, hiện tượng này bằng tên của một khái niệm, sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng gần gũi với nó. Hoán dụ được sử dụng trong câu nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.
Hoán dụ và ẩn dụ rất dễ nhầm lẫn, hai biện pháp tu từ đều xuất phát từ sự tương đồng về đặc điểm, tính chất giữa các sự vật hiện tượng. Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp.
- Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể
VD:
Ai xui má đỏ, môi hồng
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu
“Má đỏ”, “môi hồng” là hình ảnh hoán dụ chỉ người con gái. Câu ca dao ca ngợi nét đẹp đằm thắm, làm xuyến xao con tim của người thiếu nữ.
- Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng
VD:
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh
Tố Hữu
Tố Hữu dùng hình ảnh “trái đất” là vật chứa đựng để chỉ vật bị chứa đựng là con người, là người dân Việt, người dân trên khắp thế giới. Câu thơ thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân loại đến Bác.
- Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật
VD:
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Nguyễn Du
Sen và cúc là loài hoa đặc trưng cho mùa hè và mùa thu. “Sen tàn”, “cúc nở hoa” hàm ý mùa hè kết thúc, đất trời bước sang mùa thu.
- Lấy cái cụ thể chỉ cái trừu tượng
VD:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Lấy hình ảnh cụ thể là “một cây”, “ba cây”, “núi cao”, … để chỉ nếu sự đoàn kết, chung sức thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua, việc lớn đến mấy cũng sẽ thành công.
So sánh
Biện pháp tu từ so sánh là việc đối chiếu hai hay nhiều sự vật có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu văn. So sánh giúp người viết, người nói dễ dàng truyền đạt thông tin và người nghe, người đọc có thể hình dung sự vật, sự việc cụ thể và sinh động.
Theo mức độ, so sánh được chia thành hai loại.
- So sánh bằng
VD:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Câu ca dao sử dụng hình ảnh so sánh “Thân em – Tấm lụa đào”. Hình ảnh tấm lụa mềm mại, quý giá giống như người phụ nữ trẻ trung, duyên dáng, yêu kiều.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, biện pháp tu từ này rất được ưa chuộng: Nhanh như cứt, Khỏe như trâu, ….
- So sánh hơn
VD:
Bóng bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
Minh Huệ
Trong mặt anh đội viên, bóng Bác cao và tỏa ra hơi ấm còn hơn ngọn lửa đang cháy hồng. Qua biện pháp so sánh, hình tượng Bác cao cả, vĩ đại và tình cảm chân thành, kính phục của anh đội viên dành cho Bác cũng được khắc họa sinh động.
Nhân hóa
Nhân hóa là biện pháp tu từ, chỉ cách miêu tả, diễn đạt sự vật (đồ vật, con vật, …) có cảm xúc, tính cách, hành động và tâm lý như con người. Phép nhân hóa khiến những vật vô tri vô giác trở nên gần gũi, có hồn hơn, qua đó cũng bộc lộ được cảm xúc của tác giả.
Nhân hóa tạo nên sự đặc sắc, sinh động cho câu văn. Có ba kiểu nhân hóa trong văn học Việt.
- Dùng từ ngữ vốn để gọi người để gọi vật.
VD:
Chị ong nâu nâu nâu nâu
Chị bay đi đâu đi đâu
Bác gà trống mới gáy
Ông mặt trời mới dậy
Mà trên những cành hoa
Em đã thấy chị bay
Tác giả sử dụng các từ ngữ “chị”, “bác”, “ông” để gọi ong nâu, gà trồng và mặt trời. Hình ảnh nhân hóa đã góp phần tạo nên nét gần gũi, sinh động cho bài hát.
- Dùng từ ngữ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ vật
VD:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận
Huy Cận đã miêu tả hình ảnh màn đêm buông xuống thật ấn tượng với phép nhân hóa độc đáo “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Câu văn giàu hình ảnh, tái hiện lại được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
- Trò chuyện, xưng hô với vật như với người
VD:
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi
Cây tre là biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường, ngay thẳng của con người Việt Nam. Tác giả cất tiếng gọi “tre ơi” thể hiện sự thân thuộc, thể hiện sự cảm thán, góp phần tạo nên hình ảnh sinh động cho câu thơ.
Điệp ngữ
Điệp từ hay điệp ngữ là biện pháp tu từ chỉ việc lặp đi, lặp lại một từ hay một cụm từ nhiều lần trong một câu, một đoạn văn, một đoạn thơ. Biện pháp tu từ này được sử dụng rộng rãi trong thơ văn nhằm nhấn mạnh ý, liệt kê, tăng sức gợi hình gợi cảm.
Có 3 hình thức điệp ngữ phổ biến.
- Điệp ngữ nối tiếp
VD:
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Tre Việt Nam – Nguyễn Duy
Điệp ngữ “Có gì đâu” gợi sự đương nhiên, tre có thể mọc bất cứ đâu dù trong điều kiện đất đai cằn cỗi. Tre biểu tượng cho sự cần cù của con người Việt.
- Điệp ngữ cách quãng
VD:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
Bếp lửa – Bằng Việt
Điệp ngữ cách quãng “Một bếp lửa” nhấn mạnh được trong tâm trí người cháu hình ảnh bếp lửa không bao giờ phai mờ, khắc họa rõ nét nỗi nhớ và tình yêu thương của tác giả đối với bà, với bếp lửa tuổi thơ.
- Điệp ngữ vòng
VD:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?
Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm
Điệp ngữ vòng “thấy” và “ngàn dâu” diễn tả nỗi sầu thương tột độ của người chinh phụ khi tiễn chồng ra trận và gợi lên được không gian thăm thẳm, thấm đẫm nỗi sầu ly biệt.
Chơi chữ
Chơi chữ là biện pháp tu từ nghệ thuật lợi dụng những đặc sắc về âm sắc, nghĩa của từ ngữ để tạo nên sắc thái dí dỏm, hài hước. Từ đó làm cho câu văn hấp dẫn, thú vị, gây ấn tượng với người nghe, người đọc.
Chơi chữ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống thường ngày, trong thơ văn trào phúng, trong các câu đối, câu đố. Một số lối chơi chữ thường gặp:
- Chơi chữ dùng từ ngữ đồng âm
- Chơi chữ dùng lối nói trại âm (gần âm)
- Chơi chữ dùng cách điệp âm
- Chơi chữ dùng lối nói lái
- Chơi chữ dùng từ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa
VD:
Bà già đi chợ cầu đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn
Trong câu ca dao, ông cha sử dụng cách chơi chữ đồng âm. Từ “lợi” bà lão nhắc đến có nghĩa là lợi ích, thuận lợi. Còn ông thầy bói nói “lợi” ở đây là một bộ phận bao quanh răng.
Nói quá
Biện pháp tu từ nói quá là cách nói, cách viết phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật hiện tượng nhằm mục đích nhấn mạnh, tăng tính biểu cảm và gây ấn tượng mạnh cho người nghe, người đọc.
VD: Buồn nẫu ruột, mệt đứt hơi, vắt chân lên cổ mà chạy, …
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
Việt Bắc – Tố Hữu
Nói giảm nói tránh
Nói giảm nói tránh là cách diễn đạt uyển chuyển, tế nhị nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, làm cho cách nói cách viết lịch sự hơn, bớt thô tục.
VD: Để giảm bớt cảm giác đau buồn, thay vì dùng từ “chết” thì chúng ta thường hay dùng các từ như: mất, qua đời, ra đi, yên nghỉ, nhắm mắt xuôi tay, ….
Quả không ngoa khi đánh giá Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất hay và giàu có. Các biện pháp tu từ đã góp phần không nhỏ trong việc làm phong phú cách diễn đạt, tăng tính gợi hình gợi cảm cho câu văn câu nói. Với một số thông tin chia sẻ về các biện pháp tu từ, mong rằng quý bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, thành thạo vận dụng chúng trong nói và viết.