Câu ghép là gì? Có mấy loại câu ghép? Cho ví dụ minh họa

Câu ghép là phần kiến thức quan trọng trong ngữ pháp Tiếng Việt. Vậy câu ghép là gì? Câu ghép được chia thành mấy loại? Một số ví dụ cụ thể về câu ghép? Cùng tìm hiểu về câu ghép qua bài viết dưới đây.
Contents
Câu ghép là gì? Tác dụng của câu ghép
Câu ghép là câu gồm hai hay nhiều vế ghép lại, mỗi vế câu là một cụm chủ vị. Mỗi vế trong câu ghép thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa các ý với nhau cũng như liên kết với các câu khác trong đoạn văn.
Về bản chất, câu ghép được cấu tạo từ câu đơn. Câu ghép diễn đạt rõ ràng, trọn vẹn ý giúp người nói, người viết tránh được tình trạng bị hụt ý.
Câu ghép được dùng để liên kết các vấn đề liên quan đến nhau về mặt nghĩa. Nếu diễn đạt các ý liên quan đến nhau bằng câu đơn sẽ khiến nội dung bị dàn trải, rời rạc. Sử dụng câu ghép giúp người nói, người viết tóm gọn vấn đề, nâng cao sự liên kết giữa các ý trong câu, nâng cao hiệu quả giao tiếp.
VD:
Hè / đến, phượng / nở đỏ rực một vùng trời.
=> Câu ghép gồm hai vế “ Hè đến” và “phượng nở đỏ rực một vùng trời”.
Liên kết giữa các vế của câu ghép
Các vế trong câu ghép có mối liên kết về nghĩa. Chúng được nối với nhau bởi ba cách như sau:
- Nối trực tiếp bằng các dấu câu: dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;) và dấu hai chấm (:).
VD:
“Những cái xảy ra hàng ngày: máy bay rít, bom nổ.”
Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê
=> Câu ghép gồm 3 vế “Những cái xảy ra hàng ngày”, “máy bay rít”, “bom nổ”. Các vế được nối trực tiếp với nhau bằng dấu phẩy và dấu hai chấm. Câu văn ngắn gọn, diễn tả thông tin nhanh gọn.
- Sử dụng các từ ngữ có tác dụng nối: và, hoặc, hay, với, …
VD: Bạn / cần làm bài tập ngay hoặc bạn / phải chịu phạt.
- Nối bằng quan hệ từ:
- Biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả: vì … nên, do … nên, nhờ … mà, …
- Biểu thị quan hệ giả thiết – kết quả, điều kiện – kết quả: Nếu … thì, hễ … thì, giá mà … thì, …
- Biểu thị quan hệ tương phản, đối lập: Tuy … nhưng, mặc dù … nhưng, …
- Biểu thị quan hệ tăng tiến: Không những … mà còn, không chỉ … mà còn, …
VD: Tuy các bác sĩ / đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân/vẫn không qua khỏi.
=> Cụm quan hệ từ “tuy – nhưng” ngăn cách hai vế của câu ghép là “các bác sĩ đã cố gắng hết sức” và “bệnh nhân vẫn không qua khỏi”.
Các loại câu ghép
Câu ghép được phân loại như thế nào? Trong ngữ pháp Tiếng Việt, câu ghép được chia thành hai loại chính là câu ghép chính phụ và câu ghép đẳng lập. Mối quan hệ, mỗi liên kết về nghĩa giữa các vế câu là cơ sở để phân loại câu ghép.
Câu ghép đẳng lập
Câu ghép đẳng lập là câu ghép có hai hay nhiều cụm chủ – vị có quan hệ ngang hàng, không phụ thuộc vào nhau. Các vế của câu ghép được liên kết với nhau bằng các liên từ: và, hoặc, hay, còn, nhưng, mà, … hoặc bằng dấu phẩy (,).
VD:
Lớp 5A vệ sinh phòng học và lớp 5B vệ sinh hành lang.
Mẹ em làm bác sĩ còn bố em làm giáo viên.
Dựa theo mối liên kết giữa các vế, câu ghép đẳng lập được chia nhỏ thành:
- Câu ghép đẳng lập có quan hệ liệt kê
Các vế của câu ghép được liên kết trực tiếp bằng dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;) hoặc qua liên từ “và”. Mỗi vế câu sẽ diễn tả các quá trình, sự vật, hiện tượng có cùng tính chất, cùng loại với nhau.
VD:
Chợ hoa ngày tết tràn ngập sắc màu. Hoa hướng dương màu vàng, hoa thạch thảo màu tím, cúc họa mi màu trắng.
Cây xanh và trái ngọt.
- Câu ghép đẳng lập có quan hệ lựa chọn
Các vế của câu ghép được nối lại với nhau bằng các liên từ biểu thị mối quan hệ lựa chọn: hay, hoặc.
VD: Bạn thuyết trình hay tôi thuyết trình.
- Câu ghép đẳng lập có quan hệ tiếp nối
Các vế của câu ghép thể hiện diễn biến theo một trật tự nhất định của sự việc, sự vật, hiện tượng. Liên từ kết nối các vế trong câu ghép đẳng lập có quan hệ tiếp nối thường là các từ: và, thì.
VD: Bố vừa ra ngoài thì mẹ về.
- Câu ghép đẳng lập có quan hệ đối chiếu
Các vế của câu ghép biểu thị các sự việc, sự vật có tính tương phản, đối ứng với nhau. Liên từ kết nối các vế trong câu ghép đẳng lập có quan hệ đối chiếu thường là các từ: mà, nhưng, song.
VD: Minh đến chơi nhưng Hải lại không có ở nhà.
Câu ghép chính phụ
Câu ghép chính phụ có các vế liên kết với nhau bằng các cặp quan hệ từ. Các vế trong câu ghép chính phụ có quan hệ phụ thuộc với nhau, có mối liên kết chặt chẽ. Thường các vế trước của câu sẽ được coi là vế chính, thông báo điều kiện, lý do, nguyên nhân, mục đích, … làm tiền đề để vế sau xuất hiện, tồn tại.
VD:
Nếu Minh chăm chỉ học tập hơn nữa thì cậu ấy đã đạt kết quả cao hơn.
Phân biệt câu ghép và câu phức
Câu ghép và câu phức là hai loại câu rất dễ nhầm lẫn. Câu ghép và câu phức đều được cấu tạo từ các câu đơn. Tuy nhiên cách thức tổ chức, sắp xếp và quan hệ giữa các câu đơn trong câu ghép và câu phức lại khác nhau.
Câu phức chỉ có một nòng cốt chủ ngữ – vị ngữ chính. Trong nòng cốt chủ – vị đó, các thành phần chủ ngữ ngữ, vị ngữ hoặc trạng ngữ, định ngữ có thể là một hoặc nhiều câu đơn. Trong câu ghép tồn tại hai hoặc nhiều nòng cốt chủ – vị tạo thành các vế câu, tồn tại độc lập, không cái nào bao chứa cái nào.
VD:
- Câu ghép: Bạn cho tôi mượn chiếc bút nhưng tôi đã làm mất nó.
=> “Bạn / cho tôi mượn chiếc bút” là một cụm C-V và “ tôi / đã làm mất nó” là một cụm C-V. Hai cụm C-V của câu ghép được liên kết bằng từ “nhưng”, không bao chứa nhau.
- Câu phức: Chiếc bút mà bạn cho tôi mượn đã bị mất.
=> “Chiếc bút mà bạn cho tôi mượn – đã bị mất “ là cụm C – V nòng cốt. Trong đó “bạn / cho tôi mượn” là một cụm C-V nhỏ, được bao chứa trong chủ ngữ nòng cốt.
Bài viết mang đến một số thông tin về câu ghép, hy vọng rằng quý bạn đọc đã có thể hiểu rõ hơn, nắm chắc hơn về phần kiến thức này. <Tên web> còn cung cấp nhiều bài viết bổ ích về ngữ pháp Tiếng Việt. Theo dõi chúng tôi để củng cố và nâng cao kiến thức về các quy tắc cú pháp Tiếng Việt.