Cây thuốc

Cây tầm gửi có tác dụng gì? Các bài thuốc chữa bệnh từ cây tầm gửi

Cây tầm gửi là loại cây ký sinh phổ biến ở nước ta. Chúng là loài cây sống nhờ trên thân cây khác. Trong tầm gửi có chứa nhiều chất hoá học đa dạng, với những công dụng hữu ích trong hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh của con người như: sỏi đường tiết niệu, giảm đau nhức khớp, thanh nhiệt,… Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về cây tầm gửi, tác dụng và một số bài thuốc chữa bệnh từ cây tầm gửi. Mời các bạn cùng tham khảo.

Contents

Giới thiệu về cây tầm gửi

Đặc điểm

Cây tầm gửi hay còn được gọi là cây chùm gửi, tầm gửi cây gạo, ký sinh cây gạo,… có tên khoa học là Taxillus chinensis, thuộc họ tầm gửi.

Với đặc điểm ký sinh trên các cây chủ khác nhau sẽ cho ra những loại tầm gửi khác nhau, mỗi loại sẽ có đặc điểm và tác dụng khác nhau. Tầm gửi là loại cây thân leo, rễ cây thuộc loại rễ giác mút, nhờ vậy mà cây có khả năng bám chặt vào cây chủ để ký sinh. Đây cũng là bộ phận quan trọng, bởi thông qua rễ sẽ giúp hút được chất dinh dưỡng từ cây để nuôi sống tầm gửi.

Cành của cây tầm gửi thường giòn, trơn và phân đốt. Lá thường mọc đối xứng nhau và mọc thành cụm. Lá của chúng thường trơn bóng và có hình mác hay hình bầu dục.

Tuỳ vào từng cây mà tầm gửi cho hoa với đặc tính khác nhau. Hoa của cây này thường mọc thành cụm ở kẽ lá, cuống hoa của tầm gửi có chiều dài khác nhau. Tầm gửi thường ra hoa vào thời điểm tháng 8 đến tháng 9, sau khi hết mùa hoa thì đến mùa ra quả tầm gửi.

Trong các quả tầm gửi có chứa hạt, trong hạt có chứa chất lỏng đặc. Đó cũng chính là điểm tự nhiên giúp cây tầm gửi có khả năng bám chặt vào cây chủ và hút chất dinh dưỡng.

Hiện nay, cây tầm gửi phân bố chủ yếu ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy tầm gửi ở một số tỉnh thành như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai,…

Thu hái

Hiện nay, người ta thường thu hái cây tầm gửi để chế biến thành dược liệu trong hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau của con người. Trong đó, các bộ phận thường được sử dụng để chữa bệnh đó là: toàn thân, toàn bộ cành, lá và thân cây đều dùng làm dược liệu.

Cây tầm gửi sống quanh năm, do vậy bất kỳ khi nào có nhu cầu bạn đều có thể thu hái loại dược liệu này để sử dụng. Cây tầm gửi sau khi thu hái có thể cắt ngắn và phơi khô hoặc sấy khô.

Sau đó hãy bảo quản dược liệu tầm gửi ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và những nơi ẩm ướt.

Tác dụng của cây tầm gửi

Theo Đông y

Trong Đông y, cây tầm gửi có tính vị, quy kinh: Tầm gửi có vị hơi ngọt, đắng, mùi thơm và tính bình, quy vào 2 kinh Thận và Can.

Dược liệu tầm gửi có công dụng giúp bồi bổ sức khoẻ, thanh lọc cơ thể và giải độc gan hiệu quả. Bên cạnh đó, cây tầm gửi còn giúp hỗ trợ các vấn đề về xương khớp, tiêu viêm và giảm đau rất tốt.

Theo nghiên cứu y học hiện đại

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong cây tầm gửi có chứa chất catechin. Đây là hoạt chất phát huy công dụng hiệu quả trong việc phòng chống và ngăn chặn quá trình hình thành sỏi canxi nên được dùng điều trị sỏi ở đường tiết niệu.

Ngoài ra, trong cây tầm gửi còn chứa các thành phần hoá học như alpha-tocopherol, afzelin,… có tác dụng giúp chống lại oxy hoá cao, giúp bảo vệ tim mạch, từ đó khác phục nguy cơ đột quỵ.

Các loại tầm gửi được sử dụng phổ biến hiện nay

Tầm gửi trên cây dâu

Tầm gửi trên cây dâu hay còn gọi là tang ký sinh. Đây là loại dược liệu được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa phong thấp, gân cốt, sưng đau, đau mỏi xương khớp,… Thành phần có trong tang ký sinh được nghiên cứu là rất tốt cho sức khoẻ. Một số nghiên cứu khi thử nghiệm trên động vật, cao lỏng tang ký còn giúp hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, an thần và kích thích ngủ sâu giấc.

Tầm gửi gạo

Tầm gửi gạo có vị ngọt nhẹ, tính bình. Quy vào 2 kinh Thận và Gan. Tầm gửi gạo được đánh giá cao về khả năng nâng cao sức khoẻ, bổ thận, giải nhiệt và thanh lọc hiệu quả. Bên cạnh, tầm gửi gạo còn giúp giảm đau sưng xương khớp, huyết áp cao, sỏi thận và các bệnh về phong,…

Ngoài ra, các thành phần hoá học của cây tầm gửi gạo còn có công dung hiệu quả đối với các vấn đề liên quan đến tim mạch. Từ đó giúp giảm nguy cơ về đột quỵ.

Tầm gửi cây chanh

Khi tầm gửi mọc trên cây chanh, loại cây này dùng để điều trị các chứng như ho, ho khan, ho có đờm,…

Tầm gửi cây dẻ

Trong Đông y, cây tầm gửi cây dẻ có tính bình. Chúng được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc trị các bệnh về cảm mạo, thấp khớp, viêm họng. Thậm chí, chúng còn phát huy tác dụng với những trường hợp liên quan đến đường tiêu hoá.

Tầm gửi lá nhỏ

Tầm gửi lá nhỏ hay còn gọi là tiểu diệp tang ký sinh. Tầm gửi lá nhỏ được sử dụng giúp giảm đau lưng, mỏi gối, kích thích mọc tóc. Bên cạnh đó, quả của cây tầm gửi lá nhỏ còn có hiệu quả đối với các trường hợp trị chấn thương do té ngã,..

Một số bài thuốc sử dụng cây tầm gửi

Điều trị đau nhức thần kinh tọa, thần kinh ngoại biên

Lấy 18g tang ký sinh, 9g độc hoạt, 9g tần cửu, 9g phòng phong, 9g bạch thược, 9g đương quy, 9g đỗ trọng, 3g tế tân, 15g sinh địa, 12g đảng sâm, 12g phục linh, 1,5g nhục quế, 6g cam thảo.

Rửa sạch các dược liệu và cho vào sắc cùng khoảng 1 lít nước, để nước cạn còn khoảng 600ml thì dừng. Chia làm 3 lần sử dụng trước bữa ăn.

Trị bệnh tăng huyết áp

Chuẩn bị 32g tang ký sinh sao vàng, 32g thảo thuyết minh, 12g thiên ma, 12g chi tử, 12g hoàng cầm, 12g đỗ trọng, 20g dây hà thủ ô đỏ, 20g bạch linh, 16g ích mẫu, và 16g ngưu tất.

Cho các dược liệu vào đun sôi cùng nước, sau đó uống 3 lần trong ngày và uống trước các bữa ăn. Bạn nên duy trì sử dụng bài thuốc trong vòng 1 tháng để gia tăng hiệu quả cho bài thuốc.

Điều trị sỏi thận bàng quang và sỏi thận

Kim tiền thảo, cây mã đề, rễ cỏ tranh và thổ phục linh, mỗi thứ 10g và tầm gửi gạo 15g. Bạn dùng dược liệu và sắc uống hàng ngày. Lượng nước mà bạn nên sắc cùng dược liệu là từ 1 -2 lít nước.

Bằng bài thuốc này sẽ giúp đào thải độc tố và cân bằng lượng canxi dư thừa trong cơ thể.

Bồi bổ sức khoẻ, thanh nhiệt và mát gan

Chuẩn bị 30g dược liệu tầm gửi đã sấy hoặc phơi khô.

Đem dược liệu sắc cùng 1 lít nước và sử dụng hằng ngày thay nước lọc. Lưu ý là chỉ dùng trong ngày. Khi dùng nên sắc lại để đảm bảo tận dụng hết dược tính có trong dược liệu.

Chữa đau thần kinh, bổ huyết, ích thận

Chuẩn bị: Tang ký sinh 18g, đỗ trọng 9g, độc hoạt 9g, tần cửu 9g, phục linh 12g, phòng phong 9g, sinh địa 15g, đương quy 9g, bạch thược 9g, ngưu tất 12g, tế tân 3g, đảng sâm 12g, nhục quế 1,5g, cam thảo 6g.

Sắc các dược liệu cùng khoảng 750ml, chia hỗn hợp thu được thành 3 lần và sử dụng trước các bữa ăn để phát huy công dụng của bài thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng cây tầm gửi

Tầm gửi là loại dược liệu sở hữu nhiều công dụng hữu ích đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, để sử dụng loại dược liệu này an toàn, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Nên lựa chọn mua đúng loại tầm gửi và địa chỉ cung cấp dược liệu uy tín, chất lượng.
  • Tầm gửi có thể sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên để an toàn cho cả thai nhi và mẹ bầu, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia đề có được liều dùng và cách dùng phù hợp.
  • Tầm gửi là loại thảo dược có đặc tính và công dụng đa dạng, bởi mỗi loại tầm gửi khi ký sinh trên cây chủ sẽ có công dụng khác nhau. Do vậy, trước khi quyết định sử dụng bạn cần nắm rõ bệnh của mình và xin ý kiến tư vấn từ các bác sĩ để hạn chế tối đa những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình dùng,

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, cây tầm gửi là loại thảo dược có chứa nhiều công dụng và lợi ích dành cho sức khoẻ. Ngoài ra, chúng còn là phương pháp hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh với chi phí tiết kiệm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến cây tầm gửi, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất.

Related Articles

Back to top button