Chủ ngữ là gì? Vai trò và cách xác định chủ ngữ trong câu

Chủ ngữ và vị ngữ là hai thành phần cơ bản cấu tạo nên một câu trong Tiếng Việt. Vậy chủ ngữ là gì? Vai trò và cách xác định chủ ngữ trong câu? Cùng thu thập những kiến thức về chủ ngữ qua những ví dụ cụ thể trong bài viết dưới đây.
Contents
Chủ ngữ là gì? Vai trò của chủ ngữ trong câu
Chủ ngữ là thành phần chính cấu tạo nên câu, là một bộ phận không thể thiếu khi đặt câu. Chủ ngữ nêu tên sự vật, hiện tượng, con người có đặc điểm, tính chất, trạng thái, tình cảm, hành động được diễn tả ở vị ngữ.
Chủ ngữ thường trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì?
VD:
Lan/ được cô giáo khen.
CN VN
=> Chủ ngữ “Lan” trả lời câu hỏi Ai?
Chiếc váy kia/ nhìn thật đẹp.
CN VN
=> Chủ ngữ “Chiếc váy kia” trả lời câu hỏi Cái gì?
Mèo con/nằm phơi nắng trước hiên nhà.
CN VN
=> Chủ ngữ “Mèo con” trả lời câu hỏi Con gì?
Vụ tai nạn xe ở ngã tư/khiến 3 người bị thương.
CN VN
=> Chủ ngữ “Vụ tai nạn xe ở ngã tư” trả lời câu hỏi Việc gì?
Đặc điểm và cấu tạo của chủ ngữ
- Chủ ngữ trong câu phần lớn là danh từ, cụm danh từ, đại từ. Đôi khi tính từ, động từ hoặc cụm tính từ, cụm động từ cũng đảm nhiệm vai trò chủ ngữ.
VD:
- Chủ ngữ là danh từ
Đồng lúa/ chín vàng óng một góc trời.
CN VN
- Chủ ngữ là cụm danh từ
Mọi đồ dùng học tập của em/ đều do mẹ mua.
CN VN
- Chủ ngữ là đại từ
Tôi/thường đọc sách mỗi lúc rảnh rỗi.
CN VN
- Chủ ngữ là tính từ
Cần cù/ là một đức tính tốt.
CN VN
- Chủ ngữ là động từ
Học/ là một quá trình trau dồi bản thân không ngừng nghỉ.
CN VN
- Một câu có thể có nhiều chủ ngữ.
VD:
Dưa hấu,/ chôm chôm/là những loại quả em rất thích ăn.
CN1 CN2 VN
Cách xác định chủ ngữ trong câu
Cách nhận biết chủ ngữ khá đơn giản. Chủ ngữ đứng trước vị ngữ, chỉ chủ thể được đề cập trong vị ngữ (đặc điểm, trạng thái, hành động, …). Chủ ngữ thường đứng trước các từ: là, đang, được, …
Chủ ngữ trả lời các câu hỏi : Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì? … Bạn có thể đặt các câu hỏi đó để xác định chủ ngữ.
VD: Xác định chủ ngữ trong câu: “Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam.”
Chúng ta có thể xác định chủ ngữ trong câu này bằng cách đặt câu hỏi: Cái gì là món ăn truyền thống của Việt Nam. Và câu trả lời là “Phở” => đây là chủ ngữ của câu.
Hoặc do “phở” đứng trước từ “là” nên nó sẽ là chủ ngữ.
Bên cạnh đó, một cách hỗ trợ bạn nhận biết chủ ngữ trong câu là bạn cần phân biệt được thành phần chính (chủ ngữ và vị ngữ) và thành phần phụ trong câu (trạng ngữ, khởi ngữ, …).
Trạng ngữ biểu thị thời gian, địa điểm, mục đích, nguyên nhân – kết quả, cách thức… của sự vật, sự việc được đề cập đến trong câu. Trạng ngữ thường đặt ở đầu câu, giữa câu ngăn cách với cụm chủ – vị bằng dấu phẩy. Trạng ngữ cũng có thể ở cuối câu và không có dấu phẩy ngăn cách.
Khởi ngữ sẽ đứng trước chủ ngữ. Chúng kết hợp với các từ đối với, về, … nhằm mục đích nêu lên và nhấn mạnh đề tài của câu.
Một số dạng bài tập về chủ ngữ
Dạng bài tập xác định chủ ngữ vị ngữ trong câu
Điểm mấu chốt để vượt qua dạng bài tập này là chúng ta cần phân biệt rõ hai bộ phận chủ ngữ, vị ngữ trong câu.
Chủ ngữ sẽ trả lời các câu hỏi: Ai? Cái gì? Con gì? Việc gì? … Vị ngữ trả lời câu hỏi: Làm gì? Như thế nào?, Là gì? ….
Dạng bài tập tìm cấu tạo của chủ ngữ, vị ngữ
Chủ ngữ có thể là danh từ, cụm danh từ, đại từ, tính từ, cụm tính từ, động từ, cụm động từ. Việc của bạn trong dạng bài tập này là xác định được chủ ngữ là gì, thuộc loại từ nào.
- Bước 1: Xác định của ngữ và vị ngữ trong câu (tương tự với dạng bài tập 1)
- Bước 2: Xác định cấu tạo
- Đại từ: tôi, ta, tớ, mình, chúng tôi, chúng ta, chúng tớ, chúng mình cậu, bạn, mày, anh, chị, chúng mày, các bạn, các cậu, các anh, các chị, nó, hắn, y, anh ta, cô ấy, anh ấy, bạn ấy, chúng nó, bọn hắn, bọn chúng, …
- Danh từ
- Tính từ
- Động từ
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức cụ thể về chủ ngữ cùng các ví dụ minh họa dễ hiểu. Đồng hành cùng … để khám phá nhiều nội dung bổ ích về ngữ pháp Tiếng Việt.