Tiếng Việt

Danh từ là gì? Chức năng, các loại danh từ và ví dụ

Danh từ là một phần ngữ pháp không thể thiếu trong cấu tạo của một câu. Vậy danh từ là gì? Danh từ có chức năng gì trong câu? Có những loại danh từ nào? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Contents

Danh từ là gì

Danh từ là những từ chỉ sự vật (người, sự việc, hiện tượng, khái niệm, …) Danh từ là từ loại phổ biến và quen thuộc nhất trong Tiếng Việt.

Ngôn ngữ ngày một phong phú và đa dạng hơn, gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người. Là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ, danh từ biến đổi và không ngừng gia tăng về số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người.

Danh từ được sử dụng hàng ngày, xuất hiện trong mọi lĩnh vực đời sống, trong mọi hình thức giao tiếp và trao đổi thông tin. Một số ví dụ về danh từ thường gặp:

  • Danh từ chỉ người: con trai, con gái, ông bà, bố mẹ, …
  • Danh từ chỉ sự vật: con mèo, giàn mướp, cái bàn, …
  • Danh từ chỉ hiện tượng: lũ quét, mưa, hạn hán, sấm sét, …
  • Danh từ chỉ khái niệm: thuật ngữ, phương châm, …

Chức năng của danh từ

Trong ngữ pháp Tiếng Việt, danh từ đảm nhận một số chức năng:

  • Danh từ làm chủ ngữ trong câu

Với chức năng này, danh từ sẽ thường đứng ở đầu câu.

VD: Gà con kêu chiếp chiếp.

  • Danh từ bổ nghĩa cho động từ đứng trước

VD: Con mèo đuổi bắt con chuột.

  • “Là” + Danh từ

VD: Bố em là bác sĩ.

Phân loại danh từ trong Tiếng Việt

Tùy theo ý nghĩa, danh từ được chia thành nhiều loại. Thường danh từ sẽ được chia thành các nhóm đối lập nhau như:

  • Danh từ chỉ sự vật và danh từ chỉ đơn vị
  • Danh từ chung và danh từ riêng
  • Danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng
  • Danh từ số ít và danh từ số nhiều

Danh từ chung và danh từ riêng

Danh từ chung

Danh từ chung là tên của một loại sự vật, mang tính bao quát và không nhắm vào một vật xác định nào đó.

VD: ông, bà, sông, núi, biển, …

Danh từ chung được phân thành hai loại, cụ thể là:

  • Danh từ cụ thể: Là những danh từ chỉ sự vật mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan của cơ thể.

VD: bàn học, máy tính, mưa, nắng, …

  • Danh từ trừu tượng: Là những danh từ chỉ sự vật mà chúng ta không thể cảm nhận được bằng các giác quan. Danh từ trừu tượng thường là những danh từ chỉ khái niệm, không có hình thù, tồn tại trong nhận thức của con người.

VD: tinh hoa, tư tưởng, đạo đức,  …

Danh từ riêng

Danh từ riêng là tên riêng của một sự vật, mang tính đặc trưng và xác định cụ thể. Danh từ riêng luôn được viết hoa.

Danh từ riêng có thể là tên người, tên địa danh, tên tổ chức cụ thể, …

VD: Hồ Chí Minh, Vịnh Hạ Long, …

Danh từ chỉ đơn vị

Danh từ chỉ đơn vị là những từ biểu thị đơn vị để tính toán, đong đếm sự vật (về trọng lượng, số lượng, …). Danh từ chỉ đơn vị đa dạng và được chia thành các nhóm nhỏ tùy theo ngữ nghĩa, mục đích sử dụng:

  • Danh từ đơn vị tự nhiên: Còn được gọi là danh từ chỉ loại, loại danh từ này thường được sử dụng nhiều trong giao tiếp.

VD: con, cái, chiếc, …

  • Danh từ đơn vị chính xác: Chỉ những đơn vị đo đạc chính xác, được quy ước rõ ràng.

VD: mét, kilogam, tấn, tạ, yến, lít, …

  • Danh từ đơn vị ước chừng: Danh từ dùng để tính đếm các sự vật theo dạng tổ hợp.

VD: đàn, bó, cặp, bộ, …

  • Danh từ chỉ đơn vị thời gian: giây, phút, giờ, ngày, năm, thập kỷ, thế kỷ, …
  • Danh từ chỉ đơn vị hành chính, tổ chức: thôn, xóm, huyện, trường, lớp, …

Cụm danh từ

Cụm danh từ hay danh ngữ chỉ một tập hợp từ gồm danh từ và một số từ ngữ khác phụ thuộc danh từ đó. Cụm danh từ tuy có cấu tạo phức tạp hơn nhưng vẫn đảm nhận các chức năng giống như danh từ trong câu (làm chủ ngữ, là bổ ngữ cho động từ, làm vị ngữ, …).

Cụm danh từ gồm có một bộ phận trung tâm do danh từ đảm nhiệm và các thành tố phụ. Cụm danh từ có dạng đầy đủ gồm có ba phần: phần đầu, phần trung tâm, phần cuối; dạng không đầy đủ chỉ có hai phần.

VD: Cụm danh từ đầy đủ: Năm học sinh kia

Cụm danh từ không đầy đủ:

  • Năm học sinh (gồm phần đầu và phần trung tâm)
  • Học sinh kia (gồm phần trung tâm và phần sau)

Cấu tạo của cụm danh từ đầy đủ bao gồm:

  • Phần đầu (phần phụ trước): bổ sung ý nghĩa về số và lượng cho danh từ chính. Phần phụ trước thường là từ chỉ số lượng (một, hai, vài, tất cả, dăm ba, …),

VD: Tất cả học sinh, Những ngôi sao, …

  • Phần trung tâm: do danh từ chính đảm nhận

VD: Hai năm qua, Những thôn trong xã này, …

  • Phần sau (phần phụ sau): bổ sung ý nghĩa về đặc điểm, tính chất, xác định vị trí của vật trong không gian hay thời gian… cho danh từ chính. Phần phụ sau có thể do danh từ, tính từ, động từ, … đảm nhận hoặc là các từ chỉ định (này, kia, ấy, …)

VD: Những chiếc ghế dài, Cái nhà mới xây kia, …

Trên đây là một số kiến thức hữu ích về danh từ, cách sử dụng, các loại danh từ trong Tiếng Việt. Cùng theo dõi …. để biết thêm nhiều điều thú vị về Tiếng Việt – Thứ tiếng giàu đẹp, mang đậm bản sắc, là biểu hiện hùng hồn sức sống của dân tộc.

 

Có thể bạn quan tâm: 

Related Articles

Back to top button