Động từ là gì? Chức năng, phân loại và cách sử dụng động từ

Để xây dựng một câu hoàn chỉnh trong Tiếng Việt, không thế thiếu động từ. Vậy động từ là gì? Chức năng, cách sử dụng động từ trong câu? Phân loại động từ như thế nào? Cùng khám phá để không bỏ lỡ các thông tin hữu ích về động từ, sự phong phú của Tiếng Việt.
Contents
Động từ là gì?
Động từ là một từ loại phổ biến trong Tiếng Việt. Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật, hiện tượng.
VD:
- Động từ chỉ hành động: chạy, nhảy, cầm, nắm, ăn, uống, …
- Động từ chỉ trạng thái: vui, buồn, hạnh phúc, …
Động từ, danh từ, tính từ là ba thành phần cơ bản tạo nên khả năng biểu đạt phong phú của Tiếng Việt. Cùng một động từ, với những cách biểu đạt, kết hợp khác nhau sẽ tạo nên màu sắc, nét riêng trong giao tiếp, truyền đạt thông tin.
Chức năng của động từ
Trong ngữ pháp Tiếng Việt, động từ đảm nhận một số chức năng:
- Động từ làm vị ngữ trong câu. Động từ kết hợp với danh từ, tính từ tạo nên vị ngữ cho câu. Chức năng chính của động từ là bổ nghĩa cho danh từ và tính từ.
VD: Con mèo đuổi bắt con chuột
- Động từ làm chủ ngữ. Khi làm chủ ngữ, động từ sẽ mất đi khả năng kết hợp với các từ đang, đã, sẽ, cũng, vẫn, hay, chớ, đừng, …
VD: Đọc sách là một thói quen tốt.
- Động từ kết hợp với phó từ nhấn mạnh nội dung cho câu
VD: Tôi vừa ăn bữa tối.
- Động từ làm định ngữ
VD: Ngôi nhà đang sửa kia là của nhà bác Năm.
- Động từ làm trạng ngữ cho câu
VD: Biết như vậy, tôi đã không làm.
Phân loại động từ
Động từ chỉ trạng thái và động từ chỉ hành động
Theo tính chất, động từ chia thành hai loại chính là động từ chỉ trạng thái và động từ chỉ hành động.
Động từ chỉ trạng thái:
Là những động từ dùng để chỉ các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ và sự tồn tại của con người, sự vật, hiện tượng.
VD: lo lắng, nhớ, yêu, ghét, sống, ….
Động từ chỉ trạng thái được chia thành:
- Động từ chỉ trạng thái tồn tại hoặc không tồn tại: Động từ miêu tả những trạng thái của sự vật, sự việc mà chúng ta có thể quan sát, cảm nhận được bằng các giác quan.
VD: còn – mất, thiếu – đủ, …
- Động từ chỉ trạng thái biến hóa thay đổi: Động từ diễn tả sự biến hóa, thay đổi của sự vật, hiện tượng.
VD: thay đổi, biến đổi, hóa, biến hóa, …
- Động từ chỉ trạng thái tiếp thụ: Động từ thể hiện sự cho và nhận.
VD: cho, nhận, được, mất, …
- Động từ chỉ trạng thái so sánh:
VD: ít, nhiều, bằng, thua, thắng, …
Động từ chỉ hành động:
Là những động từ diễn tả, tái hiện lại các hoạt động của các sự vật, hiện tượng. Động từ chỉ hành động có tác dụng tăng sức gợi hình, gợi cảm và khiến các sự vật gần gũi, chân thực hơn trong câu.
VD: chạy, nhảy, đuổi bắt, đi, …
Động từ độc lập và động từ không độc lập
Nhóm động từ độc lập
Là nhóm những động từ tự thân có nghĩa, có thể đứng độc lập không cần một động từ khác đi kèm mà vẫn diễn đạt được đầy đủ ý.
- Nhóm động từ tác động lên đối tượng: viết, vẽ, cày, trồng, …
VD: Các bạn học sinh đang vẽ tranh.
- Nhóm động từ trao nhận: biếu, tặng, vay, mua, …
VD: Mẹ tặng Lan chiếc bút máy nhân ngày sinh nhật.
- Nhóm động từ cảm nghĩ: nghe, biết, hiểu, …
VD: Tớ biết cuốn sách này.
- Nhóm động từ chuyển động: lên, xuống, ra, vào, chen, kéo, …
VD: Mọi người đang vào nhà.
- Nhóm động từ tồn tại hoặc tiêu biến: mất, còn, hết, biến, …
VD: Cuốn truyện biến mất rồi.
- Nhóm động từ chỉ quan hệ diễn biến theo thời gian, không gian: kết thúc, bắt đầu, gần, xa, …
VD: Buổi họp phụ huynh đã kết thúc.
- Nhóm động từ chỉ trạng thái tâm lý: thích, yêu, ghét, …
VD: Tớ rất thích màu tím.
- Nhóm động từ tổng hợp: nói chuyện, đi đứng, …
VD: Mọi người đang nói chuyện với nhau.
Nhóm động từ không độc lập
Là nhóm các động từ biểu thị tình thái vận động, quá trình. Bản thân từ chưa mang nghĩa trọn vẹn, cần các từ khác đi kèm.
- Nhóm động từ chỉ quan hệ so sánh, đối chiếu: ít, nhiều, giống, khác, không bằng …
VD: Hai chiếc bút rất giống nhau.
- Nhóm động từ chỉ quan hệ đồng nhất: là, làm, …
VD: Bố em là thầy giáo.
- Nhóm động từ chỉ quan hệ sở hữu: có
VD: Minh có hai quyển sách.
- Nhóm động từ tình thái:
- Về sự cần thiết: cần, nên, phải, …
VD: Chúng ta nên đọc sách mỗi ngày
- Về khả năng: có thể, chưa thể, không thể,…
VD: Tớ chưa thể đồng ý với cậu
- Về ý chí: định, dám, nỡ, …
VD: Tớ định hỏi mẹ về chuyến đi du lịch cuối tuần này.
- Về mong muốn: muốn, mong, ước, …
VD: Minh mong mẹ sẽ về vào ngày mai.
- Về sự tiếp thu, chịu đựng: phải, được, bị, …
VD: Lớp 5A được đi du lịch vào hè năm nay.
- Về đánh giá: cho (rằng), thấy (rằng), xem, …
VD: Lan cho rằng Minh làm sai.
Cụm động từ
Cụm động từ hay còn gọi là động ngữ. Động từ kết hợp với các từ loại danh từ, tính từ tạo nên cụm động từ. Chức năng chính của cụm động từ tương tự như danh từ: làm vị ngữ, làm chủ ngữ, định ngữ hay trạng ngữ trong câu.
Thành tố chính của động ngữ là động từ, gồm 3 phần: phần phụ trước, phần trung tâm và phần phụ sau.
Phần trung tâm có thể là một động từ hoặc là những tổ hợp gồm nhiều động từ. Phần phụ trước của cụm động từ có tác dụng định tính mối quan hệ về thời gian, trạng thái của hành động nên ở động từ thành tố chính. Phần phụ sau mở rộng nội dung từ vựng (thời gian, nguyên nhân, địa điểm, …) của động từ.
VD: đã ăn cơm lúc 7 giờ tối
Trong cụm động từ này đầy đủ 3 thành phần. Phần phụ trước “đã” bổ nghĩa cho động từ chính “ăn”, diễn tả sự việc đã xảy ra. Phần phụ sau “ lúc 7 giờ tối” nói về thời gian, …
Nhiều trường hợp, cụm động từ sẽ không có đầy đủ 3 thành phần mà khuyết đi phần phụ trước hoặc phần phụ sau.
VD: Cụm động từ đầy đủ: “đang vui chơi dưới sân cỏ”
Cụm động từ khuyết phần phụ trước: “vui chơi dưới sân cỏ”
Cụm động từ khuyết phần phụ sau: “đang vui chơi”
Lưu ý khi sử dụng động từ trong câu
Để diễn đạt đủ ý, hay và đúng ngữ pháp Tiếng Việt, bạn cần nắm bắt một số lưu ý như sau:
- Một sự khác biệt nhỏ giữa động từ chỉ hành động và động từ chỉ trạng thái là khả năng kết hợp với từ “xong”. Động từ chỉ hành động có khả năng kết hợp với từ “xong” nhưng động từ chỉ trạng thái lại không có khả năng đó. Chúng ta thường nói, thường diễn đạt là “chạy xong”, “ăn xong”,… và không diễn đạt rằng “buồn xong”, “ vui xong”, …
- Một số động từ có thể sử dụng như động từ chỉ trạng thái: đi, đứng, suy tư, lo lắng, bồn chồn, …
- Một số động từ có thể sử dụng như động từ chỉ trạng thái và động từ chỉ hành động.
- Một số động từ mang đặc điểm và tính chất như tính từ, thường kết hợp với các trợ từ chỉ mức độ.
Bài viết cung cấp những thông tin cơ bản về động từ và các đặc điểm của động từ. Theo dõi … để nhận được nhiều thông tin hữu ích về danh từ, tính từ, trạng từ, …và các cấu trúc thú vị trong Tiếng Việt.