Tiếng Việt

Khởi ngữ là gì? Vai trò và cách nhận biết khởi ngữ trong câu

Chủ ngữ, vị ngữ là những thành phần chính trong câu. Bên cạnh các thành phần chính đó, trong câu còn tồn tại một số thành phần phụ khác như trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ, khởi ngữ, … Khởi ngữ là một khái niệm còn khá mới lạ, cùng tìm hiểu về khởi ngữ qua bài viết dưới đây.

Contents

Khởi ngữ là gì?

Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài nhắc đến trong câu. Khởi ngữ còn được gọi là đề ngữ hay thành phần khởi ý.

VD: Chiếc áo ấy, Lan rất thích. 

=> “Chiếc áo ấy” được xác định là khởi ngữ, nó nêu lên đề tài được nói trong câu là Lan và chiếc áo.

Đặc điểm của khởi ngữ

Khởi ngữ là một thành phần phụ trong câu, chúng mang những đặc điểm:

  • Khởi ngữ không tham gia vào các thành phần nòng cốt trong câu
  • Khởi ngữ có thể có quan hệ trực tiếp hoặc gián với số yếu tố nào đó trong phần cầu còn lại.
  • Có thể thêm các từ như về, đối với, còn, … vào trước khởi ngữ.

VD: Đối với cháu, việc học là quan trọng nhất. 

Còn Lan, em phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.  

Về ý tưởng này, tôi sẽ cân nhắc. 

  • Sau khởi ngữ có thể thêm trợ từ thì.

VD: Hiểu thì tôi hiểu rồi, nhưng giải thì thôi chưa giải được.

Vai trò của khởi ngữ trong câu?

Vai trò của khởi ngữ là nêu lên đề tài của câu chứa nó, làm rõ nội dung vấn đề trong câu. Khởi ngữ trả lời cho câu hỏi “Cái gì là đối tượng được nói đến trong câu?”.

Không chỉ nêu, khởi ngữ còn có tác dụng nhấn mạnh vấn đề, làm nổi bật chủ đề của câu, thu hút sự chú ý của người đọc, người nghe vào đề tài chuẩn bị nói. Khởi ngữ là một cách hay và hợp lý để mở đầu, dẫn dắt câu chuyện trong văn nói hay văn viết.

Cách nhận biết khởi ngữ trong câu

Đôi khi việc xác định khởi ngữ trong câu gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt một số dấu hiệu nhận biết khởi ngữ sẽ giúp bạn hoàn toàn làm chủ được dạng bài này.

  • Quan sát vị trí: Khởi ngữ thường ở đầu câu hoặc đứng trước chủ ngữ trong câu.
  • Các từ kết hợp: Khởi ngữ thường đi cùng các từ về, đối với, còn, …. Sau khởi ngữ có thể có trợ từ thì. 
  • Khởi ngữ có thể đứng tách biệt với các thành phần khác trong câu, ngăn cách với các thành phần đó bằng dấu phẩy (,).

VD: “Kiện ở huyện, bất quá mình tốt lễ, quan trên mới xử cho được.”

Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan

=> Thành phần khởi ngữ “kiện ở huyện” đứng trước các thành phần nòng cốt tạo nên câu. Khởi ngữ được ngăn cách với thành phần chính bằng dấu phẩy.

Phân biệt khởi ngữ và thành phần biệt lập

Chúng ta thường hay nhầm lẫn khởi ngữ và các thành phần biệt lập trong câu. Chúng đều đứng tách biệt với các thành phần nòng cốt trong câu và được ngăn cách bởi dấu phẩy (,).

Khởi ngữ dùng trong câu để nêu lên đề tài được nói đến trong câu. Vì vậy, khi bỏ đi thành phần khởi ngữ, câu sẽ bị thiếu hụt ý.

VD: Về bộ phim này, tôi đã xem rồi.

=> Thành phần khởi ngữ trong câu là “về bộ phim này”. Nếu bỏ khởi ngữ, câu chuyển thành “tôi đã xem rồi”, câu không diễn tả đầy đủ ý nghĩa nếu không được đặt trong bối cảnh nói chuyện nhất định.

Thành phần biệt lập trong câu bao gồm: tình thái từ, từ cảm thán, từ gọi đáp, phụ chú, …. Đây là những thành phần không liên quan đến thành phần chính trong câu, không tác động đến ý nghĩa câu.

Chúng được dùng để diễn tả thái độ, tình cảm, đánh giá của người nói, người viết.

VD: Một số từ biệt lập: trời ơi, ôi chao, chắc chắn, chắc hẳn, theo tôi, theo bạn, ….

Ôi chao, trái cây thật tươi.

=> “ôi chao” là thành phần biệt lập trong câu, diễn tả cảm xúc của người nói về trái cây. Khi bỏ thành phần này đi, câu vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa.

Theo bạn, bài này nên giải như thế nào?

=> “theo bạn” là thành phần biệt lập trong câu. Khi bỏ thành phần này đi, câu vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa.

Cách chuyển đổi câu có hoặc không có khởi ngữ

Từ câu không có khởi ngữ thành câu có khởi ngữ

Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta cần:

  • Xác định đề tài được nói đến trong câu
  • Tạo khởi ngữ bằng cách kết hợp đề tài cùng các trợ từ về, đối với, còn, thì, …
  • Đặt dấu phẩy ngăn cách khởi ngữ với thành phần chính chính của câu

VD: Thêm phần khởi ngữ cho câu “Gia đình luôn là chốn về mỗi lúc mỏi mệt của chúng ta.”

=>  Đối với chúng ta, gia đình luôn là chốn về mỗi lúc mỏi mệt.

Từ câu có khởi ngữ thành câu không có khởi ngữ

Để chuyển câu từ có thành phần khởi ngữ thành câu không có khởi ngữ, chúng ta cần khéo léo đưa khởi ngữ vào thành phần câu. Đồng thời bỏ các từ ngữ đi kèm khởi ngữ và dấu phẩy nếu có.

VD: Làm bài, cô ấy cẩn thận lắm.

Khi bỏ khởi ngữ, chúng ta được câu Cô ấy làm bài cẩn thận lắm.

Trên đây là toàn bộ những kiến thức tổng hợp về khởi ngữ. Mong rằng qua bài viết, quý bạn đọc sẽ có cái nhìn bao quát, hiểu rõ về về thành phần này và vận dụng chúng trong câu một cách chính xác. Theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về ngữ pháp Tiếng Việt.

Related Articles

Back to top button