Luận điểm là gì? Luận cứ là gì? Cho ví dụ minh họa

Trong bài văn nghị luận không thể thiếu đi các luận điểm, luận cứ. Luận điểm, luận cứ là gì? Vai trò và tầm quan trọng của luận điểm, luận cứ trong bài văn nghị luận? Cùng tìm hiểu kỹ hơn về chúng qua các thông tin dưới đây.
Contents
Tìm hiểu về luận điểm
Luận điểm là gì? Vai trò của luận điểm
Trong lập luận, chúng ta cần có các luận điểm để làm sáng tỏ vấn đề, tăng sức thuyết phục cho ý kiến, lý lẽ của mình. Luận điểm được hiểu là những quan điểm, tư tưởng, chủ trương cơ bản mà người viết, người nói nêu ra để đạt được mục đích nghị luận.
Luận điểm được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hoặc phủ định và được diễn đạt rõ ràng, nhất quán và dễ hiểu. Luận điểm cần phải chân thực, đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tế để đảm bảo sự thuyết phục.
Số lượng luận điểm trong bài văn nghị luận cũng như trong quá trình giải quyết các tình huống trong công việc, cuộc sống hàng ngày không giới hạn, không có quy định cụ thể. Tùy theo tình huống đặt ra, các vấn đề cần giải quyết đơn giản hay phức tạp để đặt ra các luận điểm làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục mọi người.
Luận điểm được chia thành ba loại như sau: luận điểm chính, luận điểm xuất phát, luận điểm triển khai. Hệ thống luận điểm là cơ sở, là khung xương để xây dựng, phát triển bài văn nghị luận, nội dung văn bản.
Cách xác định luận điểm
Cách xác định, xây dựng luận điểm là một kỹ năng cần thiết trong văn nghị luận. Để xác định luận điểm, chúng ta cần:
- Bám sát dữ liệu có sẵn trong đề bài
- Dựa vào cách đặt câu hỏi
- Dựa vào cách thức nghị luận, cách thức trình bày
Cách trình bày, triển khai luận điểm
Có thể nói rằng khi xác định luận điểm là ta đang lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu. Việc tiến hành trình bày, triển khai các hệ thống luận điểm là việc chúng ta bắt tay vào việc tạo khung cho bài văn nghị luận.
Phương pháp trình bày luận điểm gồm có:
- Diễn dịch (nêu luận điểm trước, dùng luận cứ để làm sáng tỏ luận điểm)
- Quy nạp (nêu ra các luận cứ rồi kết lại bằng luận điểm)
- Đưa ra bối cảnh rồi giới thiệu luận điểm
- Kể chuyện dẫn ra luận điểm
Tùy theo tư duy, ý muốn và sự sáng tạo mà người nói, người viết có thể linh hoạt sử dụng các cách trình bày luận điểm phù hợp, tăng tính thuyết phục và sự cuốn hút cho bài nghị luận, bài thuyết trình, bài tranh luận.
Tìm hiểu về luận cứ
Luận cứ là gì? Vai trò của luận cứ?
Luận cứ là những lý lẽ, những dẫn chứng đã được công nhận, là những bằng chứng xác thực. Luận cứ là cơ sở lý lẽ được triển khai nhằm làm sáng tỏ luận điểm được nêu ra.
Yêu cầu của luận cứ
Để đảm bảo tính xác thực và tính hiệu quả của luận cứ trong bài văn nghị luận, luận cứ cần thỏa mãn các yêu cầu:
- Luận cứ phải có sự phụ hợp, hài hòa với luận điểm
- Luận cứ phải có tính xác thực về sự kiện, địa điểm, thời gian, nơi chốn, các nhân vật lịch sử, …Luận cứ càng chính xác thì tính thuyết phục càng tăng.
- Luận cứ cần được chọn lọc, có tính tiêu biểu, đặc trưng và nổi bật nhất.
- Luận cứ phải có tính toàn diện, không tách rời nội dung luận điểm
Ví dụ cụ thể về luận điểm, luận cứ
Xác định luận điểm, luận cứ
“ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, … Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.”
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Hồ Chí Minh
Trong đoạn trích, chúng ta xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ như sau: Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm chính là “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.” Bác dùng 2 luận cứ để làm sáng tỏ luận điểm:
-
- “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi”
- “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại”. Bác đưa ra các dẫn chứng tiêu biểu là các vị anh hùng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc “Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, …”.
Xây dựng, triển khai luận điểm, luận cứ
Xây dựng luận điểm, luận cứ cho đề nghị luận xã hội: Lợi ích của việc đọc sách.
Luận điểm: Đọc sách là cách giúp chúng ta tiếp cận và mở mang kiến thức
Luận cứ:
- Tri thức nhân loại là không ngừng phát triển, nếu ta không chịu học hỏi sẽ bị thụt lùi, lỗi thời.
- Sách chứa đựng kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại, đa dạng lĩnh vực
- Không đọc sách: hiểu biết hạn hẹp, tâm hồn cằn cỗi
Trên đây là toàn bộ các thông tin, ví dụ cụ thể về luận điểm, luận cứ. Hy vọng những kiến thức trên giúp bạn đọc hiểu rõ, nhận diện tốt luận điểm luận cứ và biết cách xây dựng triển khai chúng để tạo nên những bài văn nghị luận sắc bén.