Nhân hóa là gì? Cách xác định phép nhân hóa. Ví dụ minh họa

Trong các tác phẩm thơ văn, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh con vật, sự việc được miêu tả như con người, có hành động, có tình cảm? Đó là một phần của biện pháp tu từ nhân hóa. Cùng tìm hiểu sâu hơn về biện pháp tu từ này qua những ví dụ minh họa cụ thể.
Contents
Nhân hóa là gì?
Nhân hóa là biện pháp tu từ được sử dụng nhiều trong thơ ca văn học Việt. Nhân hóa được hiểu là cách diễn đạt, miêu tả sự vật có cảm xúc, tâm lý, tính cách và hành động như con người.
VD:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ – Vũ Đình Liên
Giấy đỏ, nghiên mực vốn là những vật vô tri vô giác nhưng lại được miêu tả bằng các tính từ dành cho người là “buồn” và “sầu”. Qua phép nhân hóa, ta cảm nhận được nỗi buồn thê lương của ông đồ, một nỗi cô đơn, buồn thương lan đến cả cảnh vật xung quanh.
Tác dụng của phép nhân hóa?
Phép nhân hóa được sử dụng rộng rãi trong văn viết, văn nói. Phép nhân hóa biến những vật vô tri vô giác trở nên có hồn hơn, gần gũi và gắn bó với con người. Qua biện pháp tu từ này, khoảng cách giữa người và vật được rút ngắn lại, như hòa vào một thể.
Sự gần gũi đó là cơ sở giúp người viết, người nói bộc lộ những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ một cách chân thực nhất. Nhân hóa cũng góp phần tạo nên cái hồn cho bài thơ, câu văn trở nên sinh động, giàu cảm xúc hơn.
VD:
Vũ Đình Liên thông qua hình ảnh nhân hóa trong hai câu thơ “ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” để bộc lộ cảm xúc bẽ bàng, thương xót vô hạn cho một kiếp người, một nét đẹp văn hóa nghìn năm – hình ảnh ông đồ viết chữ ngày Tết.
Các kiểu nhân hóa trong Tiếng Việt
Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật
Người nói, người viết sử dụng các từ ngữ gọi người (anh, chị, chú, bác, …) để gọi các đồ vật, con vật. Gọi vật như gọi người giúp câu văn mềm mại, gần gũi hơn
VD: Chị ong nâu, Bác chim sâu, Ông mặt trời, ….
Ông mặt trời thức dậy tỏa những tia nắng vàng óng ả.
Dùng từ ngữ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ vật
Đồ vật vốn bất động, không có tri giác. Nhưng để miêu tả chúng một cách sinh động hơn hoặc lồng ghép tình cảm vào câu văn thì người viết, người nói sẽ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ vật. Đây là một hình thức nhân hóa khá phổ biến.
VD:
Như đổ bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Chiều xuân – Anh Thơ
Câu thơ sử dụng hình ảnh nhân hóa “đò biếng lười – nằm – mặc” và “quán tranh – đứng im lìm”. Qua đó góp phần khắc họa hình ảnh thiên nhiên, làng quê yên bình, vắng lặng và có đôi chút buồn mang mác.
Trò chuyện, xưng hô với vật như với người
Hình thức nhân hóa này được sử dụng nhiều khi người nói, người viết muốn độc thoại nội tâm.
VD:
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chả thấy người thương
Tác giả sử dụng kiểu nhân hóa trò chuyện, xưng hô với vật như với người “núi ơi”. Tác giả coi ngọn núi như người để bày tỏ nỗi niềm thương nhớ người yêu sâu kín trong lòng.
Cách xác định phép nhân hóa
Làm sao để xác định được phép nhân hóa trong câu? Bạn cần nắm rõ hai bước cơ bản sau đây:
- Bước 1: Chỉ ra sự vật nào được nhân hóa và từ ngữ được tác giả dùng để nhân hóa sự vật đó.
- Bước 2: Phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa đó:
- Nhân hóa góp phần tạo nên tính gợi hình, gợi cảm làm cho câu văn thêm sinh động, gần gũi với con người.
- Tác giả muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm gì thông qua hình ảnh nhân hóa đó?
Lưu ý khi sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa
Để đạt được hiệu quả trong diễn đạt, tăng tính nghệ thuật cho câu văn, chúng ta cần phải biết cách sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa đúng cách.
Trước hết, chúng ta cần xác định rõ mục đích sử dụng là gì, cần nắm rõ dụng ý nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu. Bạn cần trả lời một số câu hỏi trước khi áp dụng biện pháp tu từ này:
- Hình ảnh nhân hóa là hình nào?
- Hình ảnh được nhân hóa có ý nghĩa gì? Hay bạn muốn người nghe, người đọc hiểu được điều gì thông qua hình ảnh nhân hóa đó?
Tiếp theo bạn chỉ nên áp dụng phép nhân hóa khi bạn thực sự hiểu nó, phân biệt được nhân hóa với các biện pháp tu từ khác. Không phải bất cứ sự vật nào, chi tiết nào cũng có thể dùng phép nhân hóa.
Bạn cần chọn lọc hình ảnh, không nên lạm dụng phép nhân hóa trong bài viết. Điều này sẽ giúp bạn tránh tình trạng áp dụng phép nhân hóa một cách máy móc, dễ bị nhầm lẫn với các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, …
Nhân hóa là một trong những biện pháp tu từ phổ biến và dễ dùng, dễ nhận biết trong văn học Việt Nam. Mong rằng qua bài viết trên, bạn đã nắm chắc những thông tin cơ bản của phép nhân hóa và thành thạo sử dụng chúng trong văn nói văn viết.