Tiếng Việt

Phương thức biểu đạt là gì? Các phương thức biểu đạt trong văn bản

Mỗi một văn bản đều có phương thức biểu đạt nhất định. Vậy phương thức biểu đạt là gì? Có bao nhiêu phương thức biểu đạt trong Tiếng Việt? Cùng tìm hiểu và hệ thống các kiến thức về phương thức biểu đạt qua bài viết dưới đây.

Contents

Khái niệm phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt là cách mà người viết truyền tải những tư tưởng, thông điệp đến với người đọc. Phương thức biểu đạt trong văn bản là công cụ giao tiếp giữa tác giả và độc giả.

Phương thức biểu đạt thể hiện tình cảm, tâm tư, suy nghĩ của tác giả tới người đọc. Từ đó tạo nên sự thấu hiểu, gắn kết giữa người viết và người đọc dù không qua giao tiếp trực tiếp.

Các phương thức biểu đạt trong văn bản

Mỗi kiểu văn bản có mục đích giao tiếp riêng, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích đó. Có sáu kiểu phương thức biểu đạt tương ứng với các kiểu văn bản thường gặp là: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ.

Phương thức biểu đạt tự sự

Phương thức biểu đạt tự sự là cách người viết trình bày một chuỗi sự việc liên quan đến nhau, sự việc này dẫn đến sự việc kia và đi đến kết thúc, mang ý nghĩa đối với người đọc. Qua đó, người viết muốn giải thích sự vật, tìm hiểu con người, khơi gợi vấn đề và bày tỏ cảm xúc, thái độ khen chê.

Phương thức biểu đạt tự sự là phương thức biểu đạt chính trong văn bản tự sự (tiểu thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện ngắn, …). Văn tự sự không chỉ đơn giản tập trung vào kể mà còn  là thể hiện những khía cạnh, góc khuất của cuộc sống, của con người. Phương thức tự sự là công cụ giúp người viết truyền đạt câu chuyện, tái hiện khung cảnh trước mắt người đọc qua từng câu chữ.

VD: Các truyện cổ tích: Sơn tinh thủy tinh, Tấm cám, Sự tích quả dưa hấu, … đều vận dụng phương thức biểu đạt tự sự, nêu lên câu chuyện dân gian nhằm giải thích các truyền thuyết dân gian hoặc nêu lên bài học cho thế hệ sau.

Phương thức biểu đạt miêu tả

Tác giả sử dụng ngôn ngữ xây dựng các chi tiết, hình ảnh giúp độc giả hình dung, tưởng tượng được các đặc điểm nổi bật của sự việc, sự vật, hiện tượng, con người, … Đây là đặc điểm của phương thức biểu đạt miêu tả.

Phương thức biểu đạt miêu tả là công cụ giúp những đối tượng được nhắc đến trong văn bản hiện lên trước mắt người đọc một cách chân thực và sống động nhất, về cả mặt hình ảnh đến thế giới nội tâm phong phú của nhân vật.

Phương thức biểu đạt miêu tả là phương thức biểu đạt chính trong văn bản miêu tả như văn tả người, văn tả vật, văn tả cảnh, thơ, bút ký, …

VD: “ Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

Chí Phèo – Nam Cao

Nam Cao sử dụng phương thức biểu đạt miêu tả để khắc họa hình ảnh của Chí Phèo: xấu xí và tha hóa sống động, như hiện lên trước mắt người đọc. Qua đó nhấn mạnh được sự biến chuyển chóng mặt của một người nông dân hiền lành chất phác thành một tên lưu manh, bộp trợn.

Phương thức biểu đạt biểu cảm

Với phương thức biểu đạt biểu cảm, người viết dùng ngôn từ trực tiếp hoặc gián tiếp bày tỏ tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, thái độ và sự đánh giá về các nhân vật, sự việc đề cập đến trong văn bản hay chính là cảm xúc của tác giả về chính bản thân mình.

Phương thức biểu đạt biểu cảm là phương thức biểu đạt chính trong văn bản biểu cảm như truyện, thơ, vè, …

VD: 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Ông đồ – Vũ Đình Liên

Qua phương thức biểu đạt biểu cảm, cụ thể ở câu hỏi tu từ “Hồn ở đâu bây giờ”, lời thơ diễn tả trực tiếp cảm xúc tiếc thương, xót xa về một thời đại, một truyền thống văn hóa đang bị mai một dần.

Phương thức biểu đạt nghị luận

Phương thức biểu đạt nghị luận là cách người nói, người viết dùng những lý lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một tư tưởng, quan điểm, ý kiến nào đó.

Phương thức này thường xuất hiện trong các văn bản nghị luận về hiện tượng đời sống, nghị luận xã hội, nghị luận về một vấn đề, về đạo lý tư tưởng, …

VD: Bản án chế độ thực dân Pháp  – Hồ Chí Minh; Bàn về phép học – Nguyễn Thiếp, Đức tính giản dị của Bác Hồ – Phạm Văn Đồng…

Phương thức biểu đạt thuyết minh

Đây là phương thức biểu đạt được sử dụng nhằm trình bày, giới thiệu, giải thích, làm rõ các đặc điểm cơ bản của một đối tượng. Từ đó cung cấp tri thức về các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, trong xã hội.

Phương thức này thường xuất hiện trong các văn bản: văn bản thuyết minh về đồ vật, con vật; thuyết minh về di tích lịch sử, nhân vật lịch sử; thuyết minh về địa điểm du lịch, …

VD: Nhã nhạc cung đình Huế, Một thức quà của lúa non, Ôn dịch thuốc lá, … 

Phương thức biểu đạt hành chính

Phương thức biểu đạt hành chính là cách trình bày văn bản theo một số mục nhất định nhằm truyền đạt những nội dung và yêu cầu của cấp trên hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.

Một số văn bản có phương thức biểu đạt chính là thuyết minh: Luật, thông tư, nghị định, văn bản báo cáo, hợp đồng, …

Cách xác định phương thức biểu đạt

Trong một văn bản không có giới hạn về số lượng phương thức biểu đạt được sử dụng. Vận dụng linh hoạt, tổng hợp các phương thức biểu đạt sẽ làm tăng khả năng diễn đạt, tạo tính thu hút và gần gũi với người đọc.

Tuy nhiên trong một văn bản vẫn sẽ có phương thức biểu đạt chính và các phương thức biểu đạt phụ nhằm hỗ trợ người nói, người viết trình bày, diễn đạt vấn đề.

Chú ý cách xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản để tránh nhầm lẫn:

  • Đọc kỹ văn bản cần xác định phương thức biểu đặt
  • Xác định thể loại của văn bản mục tiêu
  • Tìm kiếm và phát hiện những dấu hiệu nhận biết điển hình, các đặc điểm nổi bật  của các phương thức biểu đạt.
  • Kết luận phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Nắm vững những kiến thức về phương thức biểu đạt sẽ giúp bạn ghi điểm trong bài thi Ngữ Văn tốt nghiệp, đại học và cải thiện khả năng viết của mình. Theo dõi … để tổng hợp và nâng cao những kiến thức về ngữ pháp Tiếng Việt.

Related Articles

Back to top button