Thành ngữ là gì? Các đặc điểm cơ bản của thành ngữ

Tiếng Việt rất giàu và đẹp, là thứ tiếng mang đậm mang đậm bản sắc, là biểu hiện hùng hồn sức sống của dân tộc. Thành ngữ trong Tiếng Việt phong phú và đa dạng hơn cả. Vậy thành ngữ là gì? Các đặc điểm cơ bản của thành ngữ? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Contents
Thành ngữ là gì?
Thành ngữ là một tập hợp từ có cấu tạo cố định đã quen dùng, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
Thành ngữ có các tầng lớp ý nghĩa sâu sắc, thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ cấu tạo nên chúng. Thành ngữ là kết quả của sự đúc kết từ những kinh nghiệm sống dày dặn của ông cha ta.
VD: Thùng rỗng kêu to => Ám chỉ, phê phán những người có năng lực hạn chế, hiểu biết kém nhưng lại thích khoe khoang, khoác lác.
Chân cứng đá mềm => Chỉ sự kiên nhẫn, quyết tâm, bền bỉ đi tới cùng; vượt qua mọi gian lao, khó khăn trở ngại.
Chôn rau cắt rốn => chỉ nơi chúng ta chào đời, quê hương.
Chức năng của thành ngữ
Về mặt ngữ pháp, thành ngữ chưa thể là một câu hoàn chỉnh, tương đương với một từ, một cụm từ trong ngữ pháp Tiếng Việt. Vì vậy, trong câu, thành ngữ có thể đảm nhận vai trò là chủ ngữ, vị ngữ, phụ ngữ, …
- Thành ngữ làm chủ ngữ:
VD: Ăn cơm hớt là thói quen không tốt.
- Thành ngữ làm vị ngữ
VD: Hắn là một kẻ giậu đổ bìm leo.
- Thành ngữ làm phụ ngữ
VD: Người Việt có thói quen chọn ngày lành tháng tốt để làm những việc quan trọng.
Đặc điểm của thành ngữ
Thành ngữ có tính biểu cảm, tính hình tượng cao. Thông qua một số phép chuyển ngữ, ẩn dụ, so sánh, mượn những hình ảnh bình thường của sự vật, sự việc để truyền tải những giá trị, bài học sâu sắc.
Thành ngữ có vần điệu, kết cấu khá vững chắc. Chúng ngắn gọn, hàm súc và được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp, trong đời sống hằng ngày, trong thơ văn Việt.
Cấu tạo của thành ngữ
Thành ngữ có cấu tạo cố định, không thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ. Thành ngữ hình thành dựa trên số lượng từ, kết cấu của chúng tương tự một cụm từ.
- Thành ngữ có kết cấu 3 tiếng
VD: Nhanh như cắt => rất nhanh, cực nhanh,…
Ăn cơm hớt => nhanh nhảu trả lời, giành nói trước người khác.
Vui như tết => sự vui vẻ, nhộn nhịp vô cùng
Đen như mực => diễn tả sự vật, sự việc có màu đen nhánh hoặc tối đen, không nhìn thấy gì
- Thành ngữ có kết cấu bốn tiếng, năm tiếng, sáu tiếng, …
VD: Khố rách áo ôm => chỉ sự nghèo hèn, thiếu thốn đến cùng cực
Đũa mốc chọc mâm son => thân phận hèn kém mà đòi vươn lên địa vị cao sang, người xấu xí hay nghèo khó lại muốn lấy người đẹp đẽ, giàu sang.
Bỏ con tép bắt con tôm / Thả con săn sắt, bắt con cá rô => hy sinh món lợi nhỏ để hòng thu được món lợi lớn hơn
- Thành ngữ có kết cấu như một cụm từ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ), gồm các từ đơn và từ ghép, đan xen và kết hợp tạo thành thành ngữ.
VD: Vơ đũa cả nắm => sự đánh giá bao hàm, nhìn nhận đồng loạt mà không phân biệt tốt xấu, việc hay việc dở.
Ác giả ác báo => làm điều xấu, điều ác sớm muộn gì cũng bị trừng phạt, nhận lấy quả báo.
Giương đông kích tây => đánh lạc hướng
Nhắm mắt xuôi tay => chỉ cái chết, sự ra đi
Ăn bớt ăn xén => tham ô, lấy bớt đi một phần mà lẽ ra của người khác
Thông thường thành ngữ sẽ có cấu tạo cố định, nhưng một số ít thành ngữ có thể biến đổi một số phần nhất định.
VD: Nhanh như chớp/ Nhanh như cắt/ Nhanh như sét => các thành ngữ trên đều chỉ sự nhanh nhạy, tốc độ cực nhanh.
Phân loại thành ngữ
Dựa theo nguồn gốc của thành ngữ
Theo nguồn gốc, thành ngữ được chia thành 2 loại là thành ngữ thuần Việt và thành ngữ Hán Việt. Thành ngữ thuần Việt chiếm phần lớn và là bộ phận quan trọng nhất trong kho tàng thành ngữ Việt Nam.
VD:
- Thành ngữ thuần Việt:
Ăn không nói có => bịa đặt, vu khống, dựng chuyện, …
Ăn cháo đá bát => chỉ thái độ, hành đồng vô ơn, phản bội lại người đã giúp mình
Ếch ngồi đáy giếng => chỉ những người có tầm nhìn hạn hẹp, nhưng luôn tỏ ra hiểu biết.
Mò kim đáy biển => việc làm khó khăn, gian nan và không có hy vọng thành công
- Thành ngữ Hán Việt:
Cẩn tắc vô ưu => cẩn thận, có sự phòng bị từ trước sẽ không phải lo lắng, không lo gặp tai họa.
Thất điên bát đảo => tình trạng hết sức bối rối, hoảng loạn
Hữu dũng vô mưu => chỉ dùng sức mạnh mà không có mưu lược, trí tuệ.
Dựa theo số lượng từ
Theo số lượng từ, chúng ta có thể chia thành ngữ thành các loại như:
- Thành ngữ có 3 từ: Khỏe như trâu, thẳng ruột ngựa, …
- Thành ngữ có 4 từ: Xa thơm gần thối, tứ cố vô thân, khẩu phật tâm xà, trèo cao ngã đau, …
- Thành ngữ có 5 từ: Đũa mốc chọc mâm son, có chê mèo lắm lông, …
- Thành ngữ có 6 từ: Ăn cây táo rào cây sung, đánh chó phải coi mặt chủ, con sâu làm rầu nồi canh, …
Một số điểm khác biệt giữa thành ngữ và tục ngữ
Thành ngữ, tục ngữ rất dễ nhầm lẫn. Nắm bắt một số điểm khác biệt bạn sẽ dễ dàng phân biệt được.
Về hình thức, cấu tạo:
- Thành ngữ là một cụm từ cố định, tương đương với một từ.
VD: An cư lạc nghiệp, giấu đầu hở đuôi, dầu sôi lửa bỏng, …
- Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn ý.
VD: Ếch kêu uôm uôm, ao chuông đầy nước
Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn
Về nội dung
- Thành ngữ mang tính hình tượng, mang tính khái quát, gợi hình và khả năng biểu đạt cao. Thành ngữ phản ánh nội dung khái niệm, không mang lại một bài học nào cho con người.
VD: Bảy nổi ba chìm, đầu xuôi đuôi lọt, một nắng hai sương, …
- Tục ngữ thể hiện trọn vẹn ý nghĩa, thể hiện những kinh nghiệm đúc rút từ thời ông cha hoặc tỏ ý phê phán cái xấu, khen ngợi cái tốt cái đẹp. Tục ngữ phản ánh nội dung của những phán đoán, suy xét.
VD: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa
Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay
Bài viết đã hệ thống lại các kiến thức liên quan đến thành ngữ về các phương diện như khái niệm, vai trò, phân loại, đặc điểm, … Theo dõi chúng tôi để tích lũy được nhiều kiến thức hơn về Tiếng Việt.