Từ phức là gì? Đặc điểm, các loại từ phức kèm ví dụ minh họa

Từ là đơn vị nhỏ nhất trong Tiếng Việt. Từ được chia thành hai loại là từ đơn và từ phức. Bài học hôm nay chúng ta cùng điểm lại một số kiến thức về từ đơn: khái niệm, đặc điểm, phân loại từ phức và điểm giống và khác nhau giữa từ đơn và từ phức.
Contents
Từ phức là gì?
Từ phức là từ do hai hoặc nhiều tiếng tạo nên.
VD: đất đai, cây cối, cà chua, kiên cường, thoang thoảng, bàn học sinh, ấm siêu tốc, …
Đặc điểm, cấu tạo của từ phức
Từ phức là một tổ hợp các tiếng giống nhau hoặc khác nhau tạo thành một từ có nghĩa. Các tiếng cấu tạo nên từ phức có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa.
- Mỗi tiếng tách ra đều có nghĩa riêng
VD: học tập
=> Học nghĩa là việc thu thập, mở rộng hiểu biết, kiến thức, kỹ năng.
Tập nghĩa là việc thực hành, luyện tập, áp dụng những kiến thức, kỹ năng mà ta đã tiếp thu được.
Nghĩa từ phức “học tập” là học và luyện tập để có hiểu biết, có kỹ năng.
- Mỗi tiếng tách ra đều không có nghĩa rõ ràng
VD: lác đác
=> Hai tiếng “lác”, “đác” đều ko có nghĩa khi đứng một mình. Khi hai tiếng đó ghép lại thành từ phức “lác đác” mang nghĩa thưa thớt, ít ỏi và rải rác nhiều nơi.
- Tiếng tách ra có nghĩa, tiếng tách ra không có nghĩa rõ ràng
VD: Cây cối
=> “cây” chỉ thực vật có rễ, thân, lá rõ rệt hoặc vật có hình thù giống thực vật có thân, lá. Nhưng tiếng “cối” lại hoàn toàn vô nghĩa khi tách riêng ra.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng từ phức do sự kết hợp của các tiếng tạo thành nhưng nghĩa của từ không phụ thuộc vào bất cứ tiếng nào trong từ.
Phân loại từ phức
Từ ghép
Từ ghép là một bộ phận của từ phức, cấu tạo từ hai hay nhiều tiếng có quan hệ về mặt ngữ nghĩa. Từ ghép nêu lên, miêu tả sự vật sự việc cụ thể, rõ ràng.
VD: quần áo, sách vở, bút chì, bàn học sinh, …
Từ ghép được chia nhỏ thành từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ dựa trên cơ sở mối quan hệ về nghĩa giữa các tiếng cấu tạo nên chúng.
- Từ ghép đẳng lập chỉ những từ ghép có các tiếng cấu tạo nên nó độc lập về nghĩa. Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa nên mang ngữ nghĩa rộng hơn từ ghép chính phụ.
VD: ông bà, quần áo, cốc chén, ngôi nhà…
- Từ ghép chính phụ chỉ những từ ghép có các tiếng cấu tạo nên nó có mối quan hệ về nghĩa. Các tiếng trong từ ghép chính phụ được phân ra thành tiếng chính và tiếng phụ, tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Từ ghép chính phụ mang nghĩa cụ thể hơn từ ghép đẳng lập.
VD: hoa phượng, hoa huệ, bánh giò, thịt lợn, …
Từ láy
Từ láy là một bộ phận của từ phức. Chúng được cấu tạo bởi các tiếng giống nhau về vần, về âm. Trong đó, từ đứng trước sẽ là từ gốc và các từ tiếp theo sẽ điệp vần, điệp âm của từ gốc đó (giống phụ âm đầu, giống vần hoặc giống nhau toàn bộ.
VD: man mác, sạch sẽ, ầm ầm, ào ào, thăm thẳm, …
Từ láy được chia thành hai loại là từ láy toàn phần và từ láy bộ phận.
- Từ láy hoàn toàn chỉ những từ láy có tiếng sau láy lại toàn bộ tiếng trước. Tuy nhiên để tạo sự hài hòa về thanh điệu, một số từ láy sẽ có tiếng thay đổi âm điệu, phụ âm cuối.
VD: xa xa, khăng khăng, chuồn chuồn, đu đủ, thoang thoảng …
- Từ láy bộ phận chỉ những từ láy có phần âm hoặc phần vần của tiếng sau giống tiếng trước. Trong từ láy bộ phận, từ láy lại được chia nhỏ thành láy âm và láy vần.
VD:
- Láy âm: mênh mông, lập lòe, man mát, …
- Láy vần: lí nhí, chênh vênh, lảo đảo, …
Phân biệt từ phức và từ đơn
Để phân biệt từ đơn, từ phức ta dựa vào cấu tạo của từ. Từ do các tiếng tạo thành. Từ đơn được tạo thành từ một âm tiết hay một tiếng có nghĩa cụ thể.
VD: chăn, gối, hoa, lá, cây, …
Từ phức là từ được cấu tạo từ ít nhất hai tiếng. Trong đó, các tiếng cấu tạo nên từ phức khi tách riêng ra có thể tất cả đều có nghĩa hoặc không có nghĩa, hay có tiếng có nghĩa có tiếng không có nghĩa.
VD: chăn bông, gối ôm, hoa hoét, lá lốt, cây xanh, thoang thoảng, ào ào, …
Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến từ đơn đa âm tiết. Đôi khi chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa từ đơn đa âm tiết và từ phức, đặc biệt là từ láy.. Từ đơn đa âm tiết thường là các từ mượn, là phiên âm tiếng nước ngoài. Mỗi một âm tiết sẽ được ngăn cách bằng dấu “-”.
VD: Ti-vi, ra-đa, ghi-đông, ….
Bài tập nhỏ
“ Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”
Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long
Hãy xác định từ đơn, từ ghép, từ láy trong câu trích trên.
Cấu tạo từ | Các từ cụ thể | |
Từ đơn | những, chỉ, cao, quá, đầu, trong, nắng, bằng, bạc, dưới, của, nhô, màu, lên, trên, của, rừng | |
Từ phức | Từ ghép | cây thông, rung tít, ngón tay, cái nhìn, bao che, cây tử kinh, cái đầu, hoa cà, màu xanh |
Từ láy | thỉnh thoảng |
Tìm hiểu về từ càng sâu, chúng ta càng thấy được vẻ đẹp, sự phong phú của Tiếng Việt. Theo dõi … để nắm bắt được những kiến thức thú vị và bổ ích về ngôn ngữ dân tộc.