Tục ngữ là gì? Cách phân biệt tục ngữ và thành ngữ

Bên cạnh thành ngữ, tục ngữ là bảo tàng lịch sử thu nhỏ về tự nhiên và xã hội của dân tộc Việt. Tục ngữ Việt Nam không kém phần phong phú và đặc sắc, hàm chứa nét đẹp của dân tộc. Tìm hiểu sâu sắc hơn về tục ngữ, nhận biết những điểm giống khác của tục ngữ và thành ngữ qua bài viết dưới đây.
Contents
Tục ngữ là gì?
Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, giàu nhịp điệu, hình ảnh trong dân gian. Tục ngữ chứa đựng những kinh nghiệm, triết lý đúc kết từ ngàn năm của ông cha về mọi mặt: tự nhiên, xã hội, con người, lao động sản xuất, …
Tục ngữ hình thành từ cuộc sống thực tiễn, là một bộ phận của văn học dân gian. Chúng ăn sâu vào suy nghĩ, đời sống của người dân Việt và được ứng dụng phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày hoặc trong thơ văn.
VD: Có công mài sắt có ngày nên kim => ý chí, nghị lực, sự kiên trì sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiến đến thành công.
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/Ngày tháng mười chưa cười đã tối => sự chênh lệch giữa thời gian ban ngày và ban đêm của các tháng, đêm tháng năm rất ngắn, ngày tháng mười lại rất dài.
Đặc điểm của tục ngữ
Về nguồn gốc
Tục ngữ hình thành trong đời sống sản xuất và đấu tranh thực tiễn. Tục ngữ do chính nhân dân lao động sáng tạo, lưu truyền, chứa đựng mọi kinh nghiệm, tri thức của họ.
Tục ngữ phản ánh xã hội, gắn liền với lời ăn tiếng nói của nhân dân, ngôn từ dung dị mà thân thương. Không ngoa khi ví tục ngữ là “trí khôn dân gian.”
Về hình thức
Tục ngữ là một câu hoàn chính. Tục ngữ như một câu thơ có nhạc điệu, vần nhịp. Chúng ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh, dễ nghe và dễ nhớ.
Vần trong tục ngữ được chia thành 2 loại: vần liền và vần cách. Vần liền là vần được gieo liên tiếp. Ngược lại vần tách chỉ cách gieo vần tách ra không liền nhau.
VD: Tục ngữ gieo vần liền:
- Thuyền theo lái, gái theo chồng
- Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra
- Đói cho sạch, rách cho thơm
Tục ngữ gieo vần cách:
- Có thực mới vực được đạo
- Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Về nội dung
- Tục ngữ phản ánh kinh nghiệm sản xuất của nhân dân lao động
Tục ngữ sinh ra từ quá trình đấu tranh sinh tồn giữa con người và thiên nhiên. Chúng là kết quả của những kinh nghiệm đúc kết nhiều năm, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Tục ngữ thể hiện sâu sắc cách nhìn, sự quan sát tỉ mỉ và khả năng lĩnh hội tinh tế của thế hệ đi trước về phương thức, điều kiện sản xuất hay quy luật biến đổi thời tiết, khí hậu. Tục ngữ phản ánh tinh thần lao động nhiệt huyết, sự sáng tạo không giới hạn của nhân dân lao động.
VD:
- Tục ngữ chỉ kinh nghiệm sản xuất
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Tháng giêng trồng trúc, tháng lục trồng tiêu
Năm trước được cau, năm sau được lúa
- Tục ngữ chỉ quy luật biến đổi thời tiết, tự nhiên
Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt
- Tục ngữ ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội
Tục ngữ thể hiện tập quán, lối sống của người dân. Chúng ghi lại thời kỳ hình thành và phát triển của xã hội.
Lối sống của con người thời nguyên thủy được thể hiện rõ qua câu tục ngữ “Ăn lông ở lỗ”. Hay câu “Con dại cái mang” chỉ quan niệm cha mẹ thường nhận mọi lỗi lầm, gánh hậu quả khi con mình phạm lỗi.
Một số sự kiện lịch sử được tái hiện lại qua những câu tục ngữ vần điệu khắc sâu vào tâm trí chúng ta: “Hai mốt giỗ cha, hai mươi ba giỗ con” hay “ Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, …
“Phép vua thua lệ làng”, “ Đất có lề, quê có thói” là những câu tục ngữ phản ánh những phép tắc, lề lối trong thời kỳ phong kiến. Những câu tục ngữ ám chỉ mỗi nơi đều có những quy định, luật lệ riêng mà chúng ta phải tuân theo.
Quan điểm thân tộc được thể hiện rõ ràng trong câu “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”, … Hay những tục ngữ chỉ các quan hệ trong xã hội: “ Cá lớn nuốt cá bé”, “Con nhà giàu đứt tay bằng con nhà nghèo xổ ruột”,…
- Tục ngữ thể hiện triết lý dân gian
Truyền thống tư tưởng, đạo đức, những bài học về cuộc sống là nguồn cảm hứng phong phú trong tục ngữ Việt.
Quan niệm còn người, còn của khẳng định con người là chủ thể của mọi sự vật, sự việc: “Người sống của còn, người chết của chết”, “Người sống, đống vàng”, …
Vẻ đẹp quê hương tái hiện sinh động qua câu tục ngữ “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, “Ăn Bắc, mặc Kinh”, … Tục ngữ thể hiện tinh thần đấu tranh của nhân nhân, không cam chịu áp bức: “ Thắng làm vua thua làm giặc”, “Muốn oai làm quan mà nói”, …
Chân dung người Việt cần cù chịu khó, yêu nước, mang lối sống đạo đức, lối suy nghĩ sâu sắc: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Đói
Về tính nghệ thuật
Nghĩa đen và nghĩa bóng của tục ngữ
Nội dung và hình thức gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên một thành một câu tục ngữ hoàn chỉnh thống nhất về ngữ nghĩa. Tục ngữ luôn có nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nghĩa đen được hiểu là nghĩa trên mặt chữ, nghĩa ban đầu do các từ cấu tạo nên câu thể hiện. Nghĩa bóng là những nghĩa ẩn được suy ra từ nghĩa đen. Thường phải đặt tục ngữ vào hoàn cảnh cụ thể để hiểu được tầng ý nghĩa bao hàm trong đó.
VD: Phân tích câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
- Nghĩa đen: Mực có màu đen, khi mực rây ra quần áo, tay chân thì sẽ bị bẩn, bị dính màu đen của mực. Đèn thắp sáng, gần đèn thì sẽ được chiếu sáng.
- Nghĩa bóng: Mực ở đây chỉ những người xấu, những việc xấu xa. Đèn chỉ những thứ tốt đẹp, những con người tốt trong cuộc sống. Qua hình ảnh đối lập mực và đèn, câu tục ngữ khẳng định môi trường sống ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức và hành động của con người.
=> Khuyên răn chúng ta phải biết tránh xa những cái xấu, các thói hư tật xấu và phải biết sống tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp, học những điều tốt, cái hay.
Tục ngữ mang tính hình tượng cao
Ông cha ta mượn những hình ảnh, sự vật bình dị trong cuộc sống thường ngày, khéo léo sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ để tạo nên sự sâu sắc, hàm súc cho tục ngữ. Lấy vật chỉ người, lấy sự việc để đề ra bài học, triết lý sống.
VD: Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ông cha ta mượn hình ảnh
hình ảnh kẻ trồng cây – người tạo ra thành quả, và người ăn quả – người hưởng thành quả để nhắc nhở chúng ta truyền thống đạo đức sống ân nghĩa, thủy chung.
Phân biệt tục ngữ và thành ngữ
Điểm giống nhau giữa tục ngữ và thành ngữ
Tục ngữ và thành ngữ vô cùng phong phú, là bộ phận quan trọng trong văn học dân gian, góp phần quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Tiếng Việt. Cấu tạo của tục ngữ, thành ngữ đều là những từ đơn, từ kép hoặc từ phức.
Cả hai đều có nguồn gốc từ nhân dân lao động, được sáng tạo và lưu truyền trong quá trình sản xuất, sinh sống bao đời. Chúng phản ánh những tri thức, kinh nghiệm của nhân dân về cuộc sống, con người, thiên nhiên một cách mộc mạc, giản dị, chân chất.
Điểm khác biệt giữa tục ngữ và thành ngữ
Điểm khác biệt giữa tục ngữ và thành ngữ được thống kê đầy đủ, ngắn gọn qua bảng dưới đây:
Tiêu chí | Tục ngữ | Thành ngữ |
Hình thức | Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh về cấu tạo ngữ pháp. | Thành ngữ là cụm từ cố định, không phải là một câu hoàn chỉnh. |
Nội dung | Tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một ý, mang tính khái quát, tổng hợp. Tục ngữ là lời nhận xét, sự đánh giá, là một bài học nhằm truyền đạt kinh nghiệm, giáo dục, răn đe, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
VD: Uống nước nhớ nguồn => Mượn hình ảnh “nguồn” và “nước” nêu lên bài học, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng, luôn nhớ về nguồn cội. Đây là truyền thống ân nghĩa tốt đẹp của dân tộc |
Thành ngữ chưa thể diễn đạt một ý trọn vẹn, chỉ đề cập đến khái niệm, không đúc kết lại thành bài học hay lời nhận xét.
VD: Ăn cháo đá bát => Chỉ nêu lên thái độ vô ơn, phản bội |
Ngữ pháp sử dụng | Tục ngữ hoàn toàn có thể đứng độc lập để tạo thành câu.
VD: Cái răng, cái tóc là gốc con người. |
Thành ngữ thường chỉ là một vế, một bộ phận tạo nên câu.
VD: Hắn ta là một kẻ ăn cháo đá bát. |
Hy vọng với những thông tin cung cấp, quý bạn đọc đã có cách nhìn rõ ràng hơn về tục ngữ và biết cách phân biệt tục ngữ và thành ngữ trong quá trình nói và viết. Theo dõi những bài viết hữu ích tại …, bạn sẽ thấy rằng Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu và đẹp đến cỡ nào.