Văn nghị luận là gì? Các dạng văn nghị luận thường gặp và cách làm

Văn nghị luận là kiểu văn bản phổ biến trong chương trình Ngữ Văn. Mỗi dạng văn nghị luận với từng chủ đề mang đến một giá trị, một nét riêng biệt. Bài viết dưới đây tổng hợp các kiến thức về văn nghị luận, về các dạng văn nghị luận thường gặp, cách làm bài văn nghị luận. Cùng khám phá nhé!
Contents
Khái niệm văn nghị luận
Văn nghị luận là là một kiểu văn bản bàn về một tư tưởng, một hiện tượng đời sống hay một tác phẩm văn học. Trong văn nghị luận, người viết sử dụng những lý lẽ, dẫn chứng để lập luận làm sáng tỏ vấn đề, chứng minh ý kiến.
Đặc điểm văn nghị luận
Mỗi một bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Đó là điểm cơ bản để văn nghị luận có sự sâu sắc, tính xác đáng, thuyết phục, tính mạch lạc.
Luận điểm
Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết nêu ra để đạt được mục đích nghị luận. Luận điểm được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán dưới hình thức các câu khẳng định hay phủ định.
Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối, là cơ sở để xây dựng và phát triển bài văn nghị luận. . Luận điểm cần phải chân thực, đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tế để đảm bảo sự thuyết phục.
Số lượng luận điểm trong bài văn nghị luận là không giới hạn. Mộ văn bản nghị luận có thể có một luận điểm chính và các luận điểm phụ. Người viết đưa ra luận điểm nhằm mục đích giải quyết các vấn đề, tình huống nêu ra trong bài văn.
Vì vậy, số lượng luận điểm nhiều hay ít phụ thuộc vào các vấn đề trong bài đơn giản hay phức tạp mà bạn cần làm sáng tỏ trong bài văn nghị luận.
Luận cứ
Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ cần phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.
Luận cứ trong bài văn nghị luận cần thỏa mãn các yêu cầu:
- Luận cứ phải có sự phù hợp, hài hòa với luận điểm
- Luận cứ phải có tính xác thực về sự kiện, địa điểm, thời gian, nơi chốn, các nhân vật lịch sử, …
- Luận cứ cần được chọn lọc, có tính tiêu biểu, đặc trưng và nổi bật nhất.
- Luận cứ phải có tính toàn diện, không tách rời nội dung luận điểm
Lập luận
Lập luận là cách mà người viết nêu luận cứ để dẫn dắt đến luận điểm để xác lập luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần trong văn bản. Một bài văn nghị luận hay, có tính thuyết phục khi có lập luận chặt chẽ, hợp lý.
Một số phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận mà chúng ta có thể sử dụng: suy luận nhân quả, suy luận tương đồng, tổng hợp, …
Có 6 thao tác lập luận trong văn nghị luận:
- Giải thích
Cách người viết làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ, … cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người. Một số cách giải thích trong văn nghị luận: nêu định nghĩa, nêu biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra mặt lợi – hại của vấn đề, …
- Phân tích
Thao tác lập luận phân tích là việc chia tách các đối tượng, vấn đề thành nhiều bộ phận nhỏ để đi sâu vào xem xét một cách kỹ lượng nội dung và mốt quan hệ bên trong của vấn đề, đối tượng đó. Đối tượng phân tích có thể là một nhận định, một hành vi, một sự việc, một nhân vật, một tác phẩm nào đó.
Phân tích có tác dụng làm rõ các đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc, các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của một sự vật, hiện tượng để thấy được giá trị của chúng. Phân tích luôn gắn với tổng hợp, khái quát.
- Chứng minh
Chứng minh là thao tác lập luận dùng những lý lẽ, dẫn chứng chân thực đã được công nhận để chứng tỏ luận điểm là chính xác, đáng tin cậy. Những lý lẽ, bằng chứng dùng để chứng minh cho quan điểm cần phải xác đáng, xác thực và được chọn lọc tiêu biểu.
- Bình luận
Bình luận là thao tác lập luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của người viết về một vấn đề trong đời sống hoặc trong văn học. Người viết cần có những hiểu biết sâu rộng về chủ đề bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định và đánh giá của mình là xác đáng và trình bày vấn đề rõ ràng, mạch lạc.
- So sánh
Người viết sử dụng thao tác lập luận so sánh nhằm làm cho bài văn nghị luận cụ thể, sinh động và tăng sức thuyết phục qua việc đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên các tiêu chí chung. Qua đó, nhận thấy được sự giống và khác nhau giữa các đối tượng và nêu rõ ý kiến, quan điểm của người viết.
- Bác bỏ
Đâu là thao tác mà người viết dùng những lý lẽ, dẫn chứng để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch, … và nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người đọc. Chúng ta có thể bác bỏ một luận điểm, một luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch của vấn đề với thái độ khách quan, đúng mực.
Bố cục của bài văn nghị luận
Bài văn nghị luận sẽ có ba phần:
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (về một ý kiến, một tư tưởng, một hiện tượng xã hội). Thường trong phần mở bài, người viết sẽ nêu lên các luận điểm xuất phát, luận điểm tổng quát.
- Thân bài: Trình bày nội dung chủ yếu của bài, tiến hành giải quyết vấn đề. Xây dựng và triển khai các luận điểm, luận cứ để làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc người nghe về quan điểm và lý lẽ của mình.
- Kết bài: Kết luận nhằm khẳng định tư tưởng, thái độ, quan điểm của bài.
Các dạng văn nghị luận thường gặp
Văn nghị luận được chia thành hai dạng thường gặp. Đó là nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Nghị luận xã hội
Nghị luận xã hội là dạng văn nghị luận tập trung bàn luận các vấn đề xã hội, chính trị, đạo đức. Từ các luận điểm, luận cứ và cách lập luận, người viết làm sáng tỏ cái đúng sai, tốt xấu của vấn đề và gợi mở suy nghĩ cho người đọc hoặc nêu cảm nghĩ riêng của người viết, …
Đề tài nghị luận xã hội rộng, bao trùm các nhiều vấn đề từ tư tưởng, đạo lý đến hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực trong đời sống hàng hàng, những vấn đề tồn tại trong xã hội (môi trường, hội nhập, chuyển đổi, …).
Nghị luận xã hội được chia thành hai dạng chính là:
- Nghị luận về tư tưởng đạo lý
- Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống
Nghị luận văn học
Nghị luận văn học là dạng bài bày tỏ suy nghĩ, sự cảm thụ tác phẩm văn học, khám phá thế giới nội tâm của tác giả, các giá trị của tác phẩm. Người viết sẽ đánh giá, phân tích, bàn bạc các vấn đề văn học: tác phẩm (thơ, văn xuôi, tiểu thuyết, ca dao, tục ngữ,…), tác giả, bối cảnh văn học, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, …
Cách làm bài văn nghị luận
Cách làm bài văn nghị luận nói chung đều cần có ba bước cơ bản: Tìm hiểu đề và tìm ý; lập dàn ý; viết bài.
Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
Đây là bước cơ bản, là điểm khởi đầu khi bạn muốn viết một bài văn nghị luận. Tìm hiểu đề là cách bạn xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài văn nghị luận. Tìm hiểu đề giúp bạn làm bài theo đúng hướng, hạn chế trường hợp lạc đề.
Tìm ý là việc xác lập các luận điểm chính phụ, tìm kiếm các lý lẽ dẫn chứng làm luận cứ và xác định cách lập luận cho cả bài văn. Tìm ý được ví như quá trình gom nhặt các nguyên liệu để xây dựng lên ngôi nhà là bài văn nghị luận.
Bước 2: Lập dàn ý
Khi đã có đầy đủ nguyên vật liệu, chúng ta tiến hành ghép nối chúng lại tạo nên một khung sườn cho bài văn nghị luận. Bước lập dàn ý sẽ giúp chúng ta chọn lọc, sắp xếp và bao quát được các luận điểm, luận cứ cần triển khai.
Từ đó, chúng ta sẽ hạn chế được việc bỏ sót ý, bám sát vào vấn đề cần nghị luận và triển khai ý một cách chặt chẽ, cân xứng. Ngoài ra, bước lập dàn ý còn giúp người viết phân bổ thời gian, bài văn nghị luận sẽ đồng đều hơn giữa các phần, tăng cường tính liên kết và chặt chẽ trong bài.
Dàn ý được triển khai thành ba phần theo bố cục của một bài văn nghị luận, gồm mở bài, thân bài và kết bài. Đối với mỗi một dạng văn nghị luận, dàn ý được xây dựng với các ý khác nhau, vận dụng các thao tác lập luận phù hợp.
Bước 3: Viết bài
Dựa trên dàn ý đã lập, người viết sử dụng các từ ngữ, hình ảnh để triển khai, phát triển các ý để tạo nên một bài văn nghị luận hoàn chỉnh. Lưu ý khi viết, chúng ta cần có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, sử dụng các phương thức biểu đạt phù hợp để tạo nên một bài văn nghị luận sắc bén, chặt chẽ nhất.
Văn nghị luận là một kiểu văn bản có tính thách thức cao đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi bạn đã thực sự hiểu, nắm chắc kiến thức về văn nghị luận, bạn sẽ nhận thấy rằng đây là một kiểu văn bản hay, có tính ứng dụng cao trong đời sống thực tế. Làm càng nhiều văn nghị luận, đọc càng nhiều tác phẩm nghị luận bạn sẽ mở rộng tư tưởng, suy nghĩ đa chiều và nhận diện vấn đề một cách bao quát, chính xác hơn.